BTT-VP
Sáng 15-9, Học viện Hậu cần tổ chức hội thảo chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật trung (lữ) đoàn của Học viện. Thiếu tướng PGS, TS Phan Tùng Sơn, Giám đốc Học viện Hậu cần chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có các đồng chí trong Ban giám đốc Học viện Hậu cần; lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng.
Thực hiện Đề án "Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" ngày 11-7-2023 của Bộ Quốc phòng, Học viện Hậu cần đã chủ động triển khai, thực hiện ngay từ năm học 2023 - 2024. Theo đó, Học viện tách đối tượng đào tạo cán bộ cấp trung, sư đoàn và tương đương thành 2 đối tượng đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và tương đương; cấp sư đoàn và tương đương.
Cùng với đó, hợp nhất 2 đối tượng đào tạo (chủ nhiệm hậu cần và chủ nhiệm kỹ thuật) thành một đối tượng đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật. Đồng thời điều chỉnh thời gian, chương trình đào tạo các cấp học, bậc học từ cử nhân cho đến tiến sĩ.
Quá trình xây dựng, Học viện Hậu cần quán triệt chặt chẽ sự chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện đúng các quy định của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; chủ động chuẩn bị từ trước khi đề án được ký ban hành; tổ chức thông qua các cấp trong Học viện, xin ý kiến các cơ quan chức năng, bổ sung, hoàn thiện.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Anh Tuấn, Phó tư lệnh Quân khu 1 cho rằng: Qua thực tiễn ở Quân khu 1, có thể thấy tính bao quát của cán bộ cán bộ - kỹ thuật chưa toàn diện để tham mưu với chỉ huy các cấp nâng cao chất lượng công tác hậu cần - kỹ thuật. Trong diễn tập, trong tình huống đột xuất, việc vận dụng lý luận được học ở nhà trường gắn vào thực tiễn còn máy móc, chưa hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng đào tạo theo đề án của Bộ Quốc phòng, Học viện Hậu cần phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự tham mưu với cấp trên xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn; phối hợp với nhà trường với đơn vị, nhất là bám sát phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị"; thường xuyên cập nhật trang bị kỹ thuật của các đơn vị để vào giảng dạy; đẩy mạnh truyền thụ kinh nghiệm cho giảng viên, học viên, mời cán bộ đơn vị về giảng dạy; xây dựng thao trường, bãi tập, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo.
Còn Thượng tá Vũ Kim Long, Phó chủ nhiệm hậu cần Quân chủng Phòng không-Không quân, cho rằng, Học viện Hậu cần chủ động nghiên cứu điều chỉnh thời lượng, khối lượng kiến thức, ưu tiên tăng thêm nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành hậu cần, kỹ thuật quân binh chủng, nhất là về nội dung phòng không-không quân, hải quân. Tăng thêm số tiết học đối với đối với kiến thức chung về các chuyên ngành kỹ thuật, như: Điều lệ công tác kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2023, tập trung vào các nội dung công tác kỹ thuật thường xuyên (7 nội dung); công tác kỹ thuật trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; điều lệ công tác kỹ thuật các chuyên ngành (theo đối tượng quân, binh chủng).
Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng PGS, TS Phan Tùng Sơn nhấn mạnh: Học viện Hậu cần luôn xác định các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nơi tiếp nhận, sử dụng nguồn cán bộ được đào tạo tại Học viện sau khi tốt nghiệp, có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xây dựng chương trình, nội dung đào tạo. Bởi xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và qua thực tế công tác của cán bộ, các cơ quan, đơn vị sẽ thấy rõ những hạn chế, bất cập trong chương trình và tổ chức đào tạo của Học viện; thấy được những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung trong các chương trình đào tạo để đáp ứng sự phát triển không ngừng của thực tiễn.
Các tham luận tại hội thảo đóng góp cho 2 bộ chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật cấp trung (lữ) đoàn là những vấn đề quan trọng mà thực tiễn đang đặt ra. Trên cơ sở đó Học viện tiếp thu, lĩnh hội, bổ sung, hoàn thiện chương trình và triển khai đào tạo đạt kết quả tốt nhất, sát với phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị".
(S.t)
Nhận xét
Đăng nhận xét