Chuyển đến nội dung chính

Ngày này năm xưa: Ngày 24-9-1952: Bác căn dặn: Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng

BTT-VP

Ngày 24-9-1952, dự họp Bộ Chính trị, Bác yêu cầu: "Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng, coi đó là một trong những mục tiêu chính trị của Trung ương… những bài báo cổ động thi đua cần viết ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chủ chốt nhất". Cũng trong ngày này năm 1958, Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố sách trắng Quốc phòng Việt Nam lần thứ nhất mang tên "Việt Nam củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc".

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 24-9-1952, dự họp Bộ Chính trị, Bác yêu cầu: "Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng, coi đó là một trong những mục tiêu chính trị của Trung ương… những bài báo cổ động thi đua cần viết ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chủ chốt nhất". 

(Sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Tập 5 – NXB Chính trị quốc gia 2007).

Ngày này năm xưa: Ngày 24-9-1952: Bác căn dặn: Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: hochiminh.vn  

Trong lịch sử Đảng ta và đất nước ta, đã có không ít nhà báo dùng ngòi bút làm vũ khí quan trọng trên bước đường hoạt động cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước và của quân đội ta. Đó là nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, nhà báo Trường Chinh, nhà báo Võ Nguyên Giáp, nhà báo Nguyễn Chí Thanh, nhà báo Nguyễn Phú Trọng...

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới hơn 50 năm làm báo với hơn 170 bút danh và đã viết trên 2.000 bài báo, từ lúc còn là người công nhân nghèo tuổi đôi mươi giữa Paris hoa lệ đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn không ngừng viết báo. Người đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước khi nhìn thấy sức mạnh to lớn từ báo chí và sau này trở thành người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Động cơ làm báo đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để tuyên truyền cách mạng, tố cáo tội ác thực dân Pháp. Chính nhờ làm báo, viết báo và đọc báo, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lênin và tìm ra con đường cứu nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập hàng chục tờ báo. Ngoài "Người cùng khổ" (1922); Việt Nam Hồn (1923), "Quốc tế Nông dân" (1924); Báo Thanh niên (1925), Báo Công Nông (1926), Báo Cứu Quốc (1942), sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân. Người đã viết hàng trăm bài báo cho Báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí và những người làm báo. Trong Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947, Người khẳng định: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà". Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung". Tại Đại hội Hội Nhà báo lần thứ III (ngày 8-9-1962), Người khẳng định: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Bác căn dặn cán bộ của Đảng phải thường xuyên đọc báo. Trên Báo Nhân Dân số 197, ngày 24-6-1959, Bác viết bài "Cần phải xem báo Đảng", vì theo Người: "Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác". Ngày 24-4-1965, trong điện chúc mừng Ngày Nhà báo Á - Phi gửi Hội Nhà báo Á - Phi, Bác viết: "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng".

Ngày này năm xưa: Ngày 24-9-1952: Bác căn dặn: Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng
Trong ảnh, từ phải sang trái Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh tư liệu 

Nhà báo Hồng Chương (1921 – 1989), nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận xét: Nếu Bác Hồ là người cha của báo chí cách mạng Việt Nam, thì đồng chí Trường Chinh là người anh cả trong làng báo cách mạng nước ta. Đồng chí Trường Chinh cũng là nhà báo có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới khi liên tục chủ trì, tổ chức hàng chục tờ báo để "dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ".

Nhà báo – Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, ngay từ năm 20 tuổi, chứng kiến tình cảnh thống khổ của người dân, ông vận động một số người là anh em họ hàng ra tờ Báo Dân cày để thức tỉnh tinh thần yêu nước, hướng dẫn nhân dân đấu tranh, chống lại sự bóc lột của thực dân, địa chủ, đồng thời làm biên tập viên Báo Búa liềm (1929), làm chủ bút báo Người Sinh viên (1929) và Báo Con đường chính (1932). Trong suốt thời gian từ năm 1936 đến năm 1945, Đặng Xuân Khu đã tổ chức biên tập và lãnh đạo 8 tờ báo, trong đó có 3 tờ báo viết bằng tiếng Pháp để tố cáo chế độ cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, giáo dục lòng yêu nước, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động cần lao. Năm 1941 tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 5-1941 tại Pác Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bầu Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư, trực tiếp phụ trách Báo Cờ Giải phóng. Cờ Giải phóng trở thành cầu nối giữa Trung ương Đảng và địa phương. Theo nhà báo Phan Quang: "Các cán bộ hoạt động cách mạng thời bấy giờ coi Báo Cờ Giải phóng là "cẩm nang cách mạng" của mình".

Suốt Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đồng chí cũng là người chịu trách nhiệm chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết hàng trăm bài báo, truyền bá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư Trường Chinh luôn tâm niệm: "Vì Cách mạng, vì Đảng, ta phải làm sao cho bài của ta đi sâu vào quần chúng, động viên được quần chúng sôi nổi sáng tạo. Muốn vậy, ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình các mạng vào đạo đức cách mạng, vì hai cái đó có thì có thể có những cái khác".

Ngày này năm xưa: Ngày 24-9-1952: Bác căn dặn: Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng Bí thư Trường Chinh; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp...: Những bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam: Ảnh: Tư liệu  

Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh được ví như người cha của nền báo chí cách mạng, Tổng Bí thư Trường Chinh như người anh cả của nền báo chí ấy thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một trụ cột, một ngọn bút chiến binh – chiến lược chủ chốt trên trận địa tư tưởng của Đảng ta. Đại tướng còn là một nhà báo có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới: Một đại tướng, một nhà báo làm báo từ năm 16 tuổi cho đến khi hơn trăm tuổi, một người từng kinh qua mọi vị trí của nghề báo: Từ Chủ tịch hội, Tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên đến thư ký tòa soạn, trình bày, đưa nhà in, sửa mo-rát và… phát hành báo!

Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo và viết bài cho các tờ báo Việt Nam độc lập, tiếng súng reo, quân giải phóng, Báo Sao vàng, Báo Chiến thắng, Báo Vệ quốc quân, Quân du kích, Quân đội nhân dân. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với vai trò tướng quân tại ngoại, Đại tướng hết sức coi trọng mặt trận tuyên truyền, báo chí. Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tòa soạn tiền phương trong rừng Mường Phăng nằm ngay cận kề hầm Đại tướng. Đại tướng thường xuyên chỉ đạo và là tác giả (bút danh Chính Nghĩa) của những bài xã luận, bình luận sắc bén trên 33 số Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Bác Hồ giao nhiều trọng trách mới. Giữa bộn bề công việc, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động báo chí với nhiều bài viết quan trọng, mang tầm định hướng chiến lược.

Tuy không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thật sự là một nhà báo cách mạng bậc thầy, một ngòi bút chính luận sắc bén giúp luận giải những câu hỏi nóng bỏng từ chiến trường đến đồng ruộng, từ cơm áo người nông dân đến chiến lược đánh giặc giữ nước. Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 10-1950, trên cơ sở sáp nhập hai tờ báo Vệ Quốc quân và Quân du kích, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý đặt tên cho tờ báo mới là Quân đội nhân dân. Niềm tự hào to lớn với các thế hệ làm báo Báo Quân đội nhân dân là trang nhất số báo đầu tiên, số báo lịch sử ấy, đăng toàn trang bài viết của tác giả Nguyễn Chí Thanh (không ký chức danh Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) nhan đề "Đánh thắng và bảo vệ mùa màng". Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn viết nhiều bài, với các thể loại báo chí khác nhau đăng trên Báo Quân đội nhân dân, đề cập các vấn đề công tác chính trị-tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội và cả những vấn đề quốc tế. Các bài viết đều có lối viết giản dị, giàu hình ảnh, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nhưng lời lẽ đanh thép, thái độ kiên quyết, lập luận chặt chẽ, khoa học, vừa giàu tính thực tiễn vừa sáng tầm chiến lược

Một trong các nhà báo dùng ngòi bút làm vũ khí trên bước đường hoạt động cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước ta, đó là nhà báo – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã từng 29 năm làm báo chuyên nghiệp, từ phóng viên tập sự phát triển thành tổng biên tập. Sau này khi đã ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục viết báo, quan tâm đặc biệt đến các nhà báo và chỉ đạo sát sao công tác báo chí…

Theo dấu chân Người

- Ngày 24-9-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc có mối liên hệ với Hội Liên minh Nhân quyền Pháp và đóng niên phí cho tổ chức này.

Cuối tháng 9-1922, báo "Le Paria" (Người Cùng khổ) đăng bài "Nhân đạo thực dân" của Nguyễn Ái Quốc, tố cáo những thủ đoạn cai trị hà khắc và thâm hiểm của chế độ thuộc địa. Bài báo có đoạn: "Người ta (thực dân) đã làm tất cả để vũ trang cho người An Nam giết hại nhau và xúi giục họ phản bội. Người ta tuyên bố các thôn xã phải chịu trách nhiệm về những chuyện rối ren xảy ra trong địa hạt mình. Họ phải dẫn đường cho quân đội ta, phải nộp mạng những người nổi dậy. Ai không tuân lệnh thì bị coi là kẻ phạm tội. Làng nào dung nạp một người yêu nước là bị xử án. Muốn điều tra, có một cách, bao giờ cũng cứ dùng mãi một cách đơn giản, là: chất vấn lý trưởng và hào mục. Ai không nói lập tức bị hành quyết. Một đám lính bảo an trong vòng hai tuần lễ, đã cho hành quyết 75 hào mục...".

- Ngày 24-9-1948, Bác ký chỉ thị về việc tổ chức "Ban Quân sự Nam bộ gọi là Bộ Tư lệnh Nam bộ".

- Ngày 24-9-1952, dự họp Bộ Chính trị, Bác yêu cầu: "cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng, coi đó là một trong những mục tiêu chính trị của Trung ương… những bài báo cổ động thi đua cần viết ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chủ chốt nhất"....

- Ngày 24-9-1961, Bác Hồ đến vui Tết Trung Thu với hơn một vạn thiếu nhi Thủ đô tại Câu Lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa – tập 2 – NXB Chính trị quốc gia - Sự thật 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-9-1969 có đăng trang trọng bài viết: "Miền Nam đời đời ghi nhớ công ơn Hồ Chủ tịch, quyết một lòng đi theo con đường Người đã vạch ra". "Theo Thông tấn xã giải phóng, sáng 8-9-1969 tại một nơi trong vùng giải phóng, với lòng tiếc thương vô hạn, cùng với cả nước để tang Hồ Chủ tịch, vị Cha già kính yêu của cả dân tộc ta, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Hồ Chủ tịch…".

 
Ngày này năm xưa: Ngày 24-9-1952: Bác căn dặn: Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng
 

Sự kiện trong nước và quốc tế ngày 24-9

Sự kiện trong nước

24-9-1965: Quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 600 trên miền Bắc. 

24-9-1996: Thành lập Trung tâm Công nghệ xử lí bom mìn thuộc Binh chủng Công binh

24-9-1998: Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố sách trắng Quốc phòng Việt Nam lần thứ nhất mang tên "Việt Nam củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc"

Sự kiện quốc tế

24-9-1948: Công ty Motor Honda được thành lập tại Tokyo, Nhật Bản.

24-9-1960: Tàu sân bay nguyên tử đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động.

Ngày này năm xưa: Ngày 24-9-1952: Bác căn dặn: Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng
 

(S.t)


Nhận xét