Chuyển đến nội dung chính

Phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai

BTT-VP

Những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Đắk Lắk luôn phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN), kịp thời giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk về nội dung này.

Phóng viên (PV): Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, tỉnh Đắk Lắk đã có những giải pháp gì để ứng phó giảm thiểu thiệt hại, thưa đồng chí?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Tại Đắk Lắk, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước đây, tần suất tăng lên, cường độ mạnh hơn gây nhiều thiệt hại về người và của cho địa phương. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 23 đợt thiên tai, trong đó có 1 đợt hạn hán, 16 trận lốc, dông sét và 6 đợt mưa lũ, gây ngập lụt, sạt lở đất, làm 12 người thương vong; hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng; hơn 36.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, hạ tầng giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng... ước tính thiệt hại lên tới 932 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp quyết liệt theo nguyên tắc "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", theo phương châm 4 tại chỗ; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy tối đa vai trò của LLVT và nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiên tai. Cụ thể, Bộ CHQS tỉnh chủ động hiệp đồng với các địa phương, cơ quan, đơn vị thống nhất phương án PCTT, TKCN; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai; tăng cường thông tin, phổ biến các hình thái thiên tai và biện pháp phòng, chống đến cộng đồng; tổ chức diễn tập cho các lực lượng trực tiếp tham gia công tác TKCN; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với thiên tai và tổ chức TKCN khi có tình huống xảy ra.

Phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai
 LLVT Đắk Lắk hỗ trợ bà con xã Cư M'lan, huyện Ea Súp dựng lại nhà do thiệt hại của thiên tai năm 2018

PV: Trong mùa mưa bão năm 2020, công tác PCTT, TKCN của LLVT tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Để nâng cao hiệu quả công tác PCTT, TKCN, LLVT tỉnh đã khảo sát các địa bàn, khu vực trọng điểm, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước xây dựng các đội xung kích ở thôn, buôn, tổ dân phố, nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ ngay từ cơ sở. Khi xảy ra thiên tai, công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả được LLVT triển khai chặt chẽ; các lực lượng tăng cường phối hợp tham mưu với UBND tỉnh điều động, bố trí lực lượng, phương tiện, hỗ trợ các địa phương; LLVT làm nòng cốt, xung kích, đi đầu, kịp thời có mặt ở những nơi xảy ra thiên tai; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng di dời người và tài sản đến nơi an toàn...

Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị và lực lượng DQTV sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả; đã vận chuyển, sơ tán hàng trăm hộ dân ra khỏi các vùng xung yếu, bị lũ cô lập; thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, lập hàng rào bảo đảm an toàn, điều tiết giao thông, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ; tích cực giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, xử lý môi trường sau khi lũ rút, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân...

Phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai
 LLVT Đắk Lắk hỗ trợ bà con xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông sửa lại nhà sau trận bão năm 2019.

PV: Mùa mưa bão năm 2021, LLVT tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch và phương án gì để ứng phó hiệu quả trong PCTT, TKCN?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Dự báo tình hình thiên tai, bão lũ năm nay có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn theo phân cấp; nắm chắc địa hình, tình hình khí hậu, thời tiết, nguy cơ xảy ra sự cố, thiên tai trên địa bàn, nhất là tại khu vực trọng điểm để tham mưu xử lý, không để bị động, bất ngờ; quan tâm kiện toàn ban chỉ huy PCTT-TKCN ở các cấp; thường xuyên rà soát, củng cố tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn kiêm nhiệm của các đơn vị, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.

Cụ thể, cấp tỉnh củng cố 1 đội cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, TKCN; cấp huyện 1 đội cơ động cứu hộ, TKCN, 1 trung đội dân quân cơ động, dự bị động viên; cấp xã 1 tiểu đội đến 1 trung đội dân quân cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, TKCN. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý mọi tình huống. Bộ CHQS tỉnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đầu tư kinh phí mua sắm vật chất, bảo dưỡng phương tiện phục vụ nhiệm vụ PCTT, TKCN; phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; xây dựng và phát huy phương châm 4 tại chỗ; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, chủ động PCTT, TKCN.

(S.t)

Nhận xét