BTT
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ngày 29-3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
Các đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là nhiệm kỳ mà "nhân hòa" tỏa sáng, đoàn kết và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.
Chủ tịch nước là biểu tượng của niềm tin, đại đoàn kết toàn dân tộc
Thảo luận về Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhắc lại đúc kết: Muốn thành công thì phải hội đủ "thiên thời", "địa lợi", "nhân hòa". Nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, đặc biệt là năm 2020 thì "thiên" có nhiều khó khăn, "địa" có nhiều bất lợi, chỉ có yếu tố "nhân hòa" là tỏa sáng ở nước ta. "Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ; sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào ta, của cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành cứu cánh và sức mạnh nội sinh để chúng ta có thể vượt qua thách thức và đạt tới thành công. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là kiến trúc sư và nhạc trưởng của mối quan hệ nhân hòa đó", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại, là biểu tượng của niềm tin và đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện, dù ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội để cả nước đồng lòng vượt qua những khó khăn của một nhiệm kỳ nhiều giông bão và khó khăn chồng chất khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đánh giá khái quát: Trong nhiệm kỳ có sự biến động khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng như cải cách tư pháp, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Tóm lược các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Với sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi tham nhũng theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Chính phủ có khát vọng về một Việt Nam hùng cường
Thảo luận về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng như các đại biểu đã phát biểu đều tán thành với nhiều nội dung mà báo cáo đã nêu. "Tôi cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ này là một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, với hình ảnh vị Thủ tướng xông xáo, năng động, lăn lộn vào thực tiễn", đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thành tựu trong nhiệm kỳ của Chính phủ rất ấn tượng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được nhân dân cả nước ghi nhận và tín nhiệm cao. Chính phủ, Thủ tướng luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp; chủ động khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, dự trữ ngoại hối tăng cao nhất từ trước đến nay; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phòng, chống tham nhũng quyết liệt; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh; vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trung và dài hạn, vừa chỉ đạo cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện thành công mục tiêu kép, trong năm 2020 vừa kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đất nước.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ: Đầu kỳ thì Formosa, cuối kỳ virus Corona hoành hành, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phân tích: Nhưng cũng vì khó khăn như vậy, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc Việt Nam càng được khẳng định. Đặc biệt là sự chủ động, tích cực, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cùng với Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Những trăn trở của đại biểu Quốc hội
Tuy đánh giá rất cao về những thành tựu phát triển KT-XH mà nước ta đạt được trong thời gian qua, nhưng nhiều đại biểu cũng bày tỏ trăn trở với những mặt công tác mà chúng ta có thể đạt được thành tựu tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề đã được đại biểu chất vấn từ đầu nhiệm kỳ về nông nghiệp. Đại biểu cho rằng, mặc dù vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. "Một cách thẳng thắn mà nói thì chưa phát huy đúng tiềm năng và lợi thế của ngành nông nghiệp", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. Nhắc lại đánh giá của Chính phủ rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, đại biểu nêu câu hỏi: "Khi nông dân gặp khó khăn, khi sản xuất được mùa mất giá, không bán được sản phẩm thì ai, cơ chế nào để làm trụ đỡ cho người nông dân?".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thì nhắc tới việc kiến nghị của cử tri đã được các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến nhưng chưa được Chính phủ trả lời, hoặc cho dù đã thống nhất kết luận nhưng vẫn chưa thực hiện. "Theo số liệu thống kê thì con số này là hàng trăm, thậm chí còn lên đến nhiều hơn thế nữa, tư duy nhiệm kỳ làm cho rất nhiều kiến nghị chính xác, có giá trị đóng góp cao bị rơi vào quên lãng sau vài năm kiến nghị. Liệu chăng Chính phủ có thể tổng kết các kiến nghị có số lượng đại biểu Quốc hội, số lượng các Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều lần nhất và công khai ý kiến này ở các kênh thông tin đại chúng, như là Cổng thông tin Chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, đến nay đã đưa 3/12 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý. "Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn chậm. Đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp xử lý, đưa ra thời hạn rõ ràng, không để việc xử lý kéo dài, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực của nhà nước", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị, từ nay, tất cả hạn chế, yếu kém, khuyết điểm thì không nên đổ lỗi cho chính sách pháp luật bất cập, không thống nhất, không đồng bộ. Theo đại biểu, Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ và thậm chí đã dùng tới cách một luật sửa nhiều luật. Thế nhưng pháp luật vẫn không được sửa đổi kịp thời, gây cản trở và khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và cản trở sự phát triển của đất nước. "Tôi cho rằng, trách nhiệm này trước hết thuộc về Chính phủ và các bộ, mà chủ yếu là các bộ, cơ quan thực hiện tham mưu giúp Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực mình phụ trách", đại biểu nói.
Nhắc tới một loạt vấn đề của ngành giáo dục trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) phát biểu: Thế hệ hiện tại và tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua những thách thức và biến động lớn lao. Không chỉ có truyền tải kiến thức, sứ mệnh mới của giáo dục còn phải hướng đến việc rèn luyện cho học sinh, sinh viên có khả năng thích ứng, linh hoạt, kỹ năng số thuần thục, kích hoạt năng lực phối, kết hợp, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ, không chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần mà là nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội. Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo, là khai phóng sức mạnh nội lực con người...
Ngày 30-3, Quốc hội tiếp tục làm việc.
Nguồn st
Nhận xét
Đăng nhận xét