Hội thảo khoa học Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực



BTT

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971 - 2021), sáng ngày 19-3, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng tại Hội trường Khách sạn Đông Trường Sơn với chủ đề "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - Giá trị lịch sử và hiện thực".

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971 - 2021), sáng ngày 19-3, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng tại Hội trường Khách sạn Đông Trường Sơn với chủ đề "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - Giá trị lịch sử và hiện thực".

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Quang cảnh buổi Hội thảo

Mùa xuân năm 1971, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân và dân Mặt trận Đường 9 - Quảng Trị cùng quân, dân cả nước phối hợp với các lực lượng vũ trang Cách mạng Lào mở Chiến dịch phản công trên Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của Quân đội Việt Nam Cộng hòa với sự yểm trợ của Quân đội Mỹ. Chiến thắng này đã làm thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt Nam - Lào, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ; góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên giành thắng lợi. Với ý nghĩa đó, Bộ Quốc phòng (BQP) đã chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, đúc rút những bài học lịch sử và kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch; phát huy sức mạnh của cả nước để làm nên chiến thắng; bước phát triển về khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam. Những bài học từ Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 còn có giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn sâu sắc, góp phần vận dụng vào hoạt động xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đồng thời, nhằm tôn vinh những gương chiến đấu anh dũng, hy sinh để nâng cao tinh thần yêu nước, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng BQP; đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4; đồng chí Thiếu tướng thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Đến dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các cơ quan, ban ngành của tỉnh Quảng Trị; các tướng lĩnh, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trực thuộc BQP; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội…

Về phía Học viện Lục quân có đồng chí Đại tá, TS Nguyễn Như Ngạn, Trưởng phòng Khoa học quân sự; đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Phương, Trợ lý Lịch sử quân sự tham dự. Đóng góp cho Hội thảo, đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Trần Khắc Đào đã có bài tham luận về "Vận dụng kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 vào công tác huấn luyện và đào tạo hiện nay". Với thắng lợi của chiến dịch đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là kinh nghiệm về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng có giá trị rất to lớn đối với công tác huấn luyện - đào tạo ở các đơn vị, học viện, nhà trường của Quân đội ta nói chung, Học viện Lục quân nói riêng, nhằm truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và giáo dục truyền thống, xây dựng niềm tin cho cán bộ, giảng viên, học viên về bản lĩnh chính trị, tư duy chiến thuật, chiến dịch và trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến. 

Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào có tác động mạnh mẽ, mở đầu cho ta thực hiện các chiến dịch, trận đánh lớn bằng hiệp đồng quân, binh chủng để giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những bài học từ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhất là trong việc giáo dục truyền thống, xây dựng ý chí quyết tâm và niềm tin cho cán bộ, chiến sỹ của Quân đội ta hiện nay và trong tương lai./.

nguồn st

Nhận xét