BTT
Đó là những điểm nhấn quan trọng tại phiên thảo luận sáng nay (28-1) của Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành thảo luận.
Có 13 đại biểu phát biểu ý kiến tham luận tại hội trường. Có rất nhiều ý kiến tâm huyết, đề cập nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành thảo luận. Ảnh: Trọng Hải |
Kinh tế số và đổi mới sáng tạo – chìa khóa để cất cánh
Dù mỗi đại biểu đại diện cho các Đảng bộ Trung ương và địa phương phát biểu theo một chủ đề khác nhau, nhưng kinh tế số và đổi mới sáng tạo là điểm chung mà nhiều đại biểu nhắc đến, nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp sáng 28-1. Ảnh: Trọng Hải |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với bài phát biểu có nhiều đề xuất, chủ trương mạnh mẽ đã nhắc đến những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập". Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm "Make in Viet Nam" – tham luận nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỉ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ "Make in Viet Nam" sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Chuyển đổi số và "Make in Viet Nam" sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước. Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.
Cùng với đó, đất nước sẽ phát triển hơn khi ngành công nghệ thông tin làm tốt đôi cánh: "Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần", đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tham luận đại diện cho Đảng bộ Bộ Công Thương, lĩnh vực trọng yếu chiếm tới trên 70% GDP quốc gia, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là đòi hỏi cấp thiết đối với chúng ta hiện nay. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn đánh giá, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững. Các ngành công nghiệp của ta nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (là các khâu gia công, lắp ráp), chưa chiếm lĩnh được các phân khúc có giá trị gia tăng cao như các khâu thượng nguồn (như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng) hoặc cung ứng các sản phẩm dịch vụ và các khâu hạ nguồn (như nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất). Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 2%), chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc liên kết chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Chung quan điểm đề cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định: Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều Bí thư tỉnh ủy, thành ủy hiến kế phát triển đất nước
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy là những cán bộ lãnh đạo giữ vai trò hết sức quan trọng, là người đứng mũi chịu sào đối với sự phát triển, thành công hay thất bại ở mỗi địa phương. Sáng nay, nhiều Bí thư tỉnh ủy, thành ủy đã tham gia phát biểu tham luận bày tỏ sự trăn trở, tâm huyết, sáng tạo để hiến kế cho Đảng lãnh đạo phát triển đất nước, với những giải pháp đột phá được đúc kết từ chính địa phương mình. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nêu kinh nghiệm Quảng Ninh đã lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa họcvới sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu. Ảnh: Trọng Hải |
Bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển "một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá" nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của Tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Còn Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh thì cho rằng, trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng KH-CN không phải vì họ muốn vậy mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Như vậy, thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Hướng ra biển và giàu lên từ biển là giải pháp mà Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhìn nhận từ thực tiễn Bến Tre: Cùng với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thuỷ sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị, ... trong bối cảnh BĐKH. Trong bối cảnh đó, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể xem là một chiến lược biến "nguy cơ, thách thức" của BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững. Đây là một không gian phát triển mới của đồng bằng sông Cửu Long cần được quan tâm đầu tư để đồng bằng sông Cửu Long thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cũng là một vấn đề trọng tâm được đại hội thảo luận sôi nổi sáng nay.
Từ thực tiễn một số hạn chế, bất cập xảy ra tại Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trình bày tham luận với chủ đề "Một số bài học từ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng".
Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Theo đồng chí, nhiệm kỳ qua, nhất là nửa đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng nói riêng (được chỉ ra tại Thông báo kết luận số 292-TB/UBKTTW ngày 21-9-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Bên cạnh đó, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất, cấp phép đầu tư, quản lý đô thị; cùng với đó là việc khắc phục những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý của các nhiệm kỳ trước; ý thức kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn mờ nhạt; năng lực, tinh thần năng động, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, ý chí chiến đấu của một số đồng chí trong cấp ủy, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên giảm sút, có hiện tượng nặng về chấp hành thực hiện, thiếu quyết liệt trong đấu tranh bảo vệ quan điểm. Ngược lại, có hiện tượng lợi dụng khó khăn, vướng mắc để nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp nhằm trục lợi, tuyên truyền không đúng sự thật…Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và quyết tâm cao, Đảng bộ thành phố đã nghiêm túc khắc phục những sai phạm, khuyết điểm, nỗ lực điều chỉnh những bất cập, nhanh chóng ổn định tình hình
Một trong những bài học được Đảng bộ TP Đà Nẵng rút ra là phải phát huy vai trò lãnh đạo của người đứng đầu, ban thường vụ cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát; phải sớm phát hiện vi phạm để ngăn chặn, khắc phục kịp thời, không để vi phạm nhỏ gây hậu quả ít nghiêm trọng trở thành vi phạm lớn gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm của một cá nhân thành vi phạm của một tổ chức; nghiêm túc nhìn nhận, khẩn trương khắc phục các sai phạm, khuyết điểm được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, không để vi phạm kéo dài trở thành một tình trạng của cả hệ thống.
Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Tham luận với chủ đề "Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp", Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà đề xuất những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ" trong những năm qua đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, để Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh."
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng phát biểu đề cập vấn đề tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" từ thực tiễn của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.Theo đồng chí, phải nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, người lao động về vị trí, tầm quan trọng của DNNN trong vai trò trụ cột, dẫn dắt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp, nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong DNNN đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng. Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tham luận. Ảnh: Trọng Hải |
Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận về vấn đề cải cách hành chính, một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Theo đồng chí, cần tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành liên quan dự họp. Ảnh: Trọng Hải |
Như vậy, sau một ngày rưỡi tiến hành thảo luận tại hội trường, tại Đại hội đã có 36 đại biểu trình bày tham luận. Buổi sáng, vào lúc 9 giờ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến phòng họp trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi đang tổ chức Đại hội XIII của Đảng, để làm việc về tình hình Covid-19 mới phát sinh. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành liên quan dự họp.
Buổi chiều, Đại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự.
Nguồn BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét