Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ và toàn hệ thống chính trị phải nỗ lực bằng cả trái tim và khối óc
BTT
Cuối giờ sáng 10-11, Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quân đội và công an làm nòng cốt trong ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn
Giải pháp nào để cân đối ngân sách nếu GDP dưới 6%?
Sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV
Tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần 5 năm trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tập trung chỉ đạo sớm khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo.
Nhắc đến những thách thức lớn chưa từng thấy không chỉ riêng năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, như đợt hạn hán kỷ lục gần 100 năm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, lũ quét, lũ ống và ngập lụt ở miền Trung..., Thủ tướng khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần 5 năm trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Tạp chí Economic xếp Việt Nam trong top những nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá, nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng....
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH |
Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. "Nhân kỳ họp này, tôi thay mặt Chính phủ trân trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội đã ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ suốt gần 5 năm qua", Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, vượt qua những khó khăn, thách thức.
Nhìn lại chặng đường đầy khó khăn thời gian qua, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Ngời sáng tình đồng bào, đồng chí nhân văn
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chúng ta không được chủ quan lơ là, phải đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vắc-xin…, đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tập trung phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội...
Thủ tướng cũng nhắc đến tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ thời gian qua ở miền Trung với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng triệu người dân nơi đây. Ngay giờ phút này, bão số 12 đang đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nhiều người dân đã bày tỏ sự cảm động, cảm phục về những cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, đặc biệt là địa phương và lực lượng Quân đội đã tập trung toàn lực thực hiện kiên quyết, kịp thời, quyết liệt các biện pháp "4 tại chỗ", phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ đạo tiền phương, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, lãnh đạo các địa phương đã ngày đêm trực chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH |
"Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại hiểm, nguy gian khó, ngày đêm vật lộn với bão, lũ để hỗ trợ đồng bào, cứu hộ người dân bị nạn. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những sĩ quan cao cấp đã hy sinh quên mình. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt... Điều này đã ngời sáng tình đồng bào, đồng chí thắm thiết, nhân văn; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, truyền thống văn hóa Việt Nam", Thủ tướng nói.
Sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân dựng lại và sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men, khắc phục nhanh các công trình hạ tầng trường học, bệnh viện bị sự cố, hư hỏng, ngập lụt, sớm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.
"Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện nhỏ để có các biện pháp chấn chỉnh, đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, trong đó tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn...", Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó là kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết, lựa chọn một số dự án ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.
Nhắc tới những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, trong đó có những nạn nhân là những cháu nhỏ chưa kịp học xong bài học trên lớp..., Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở vì vẫn còn những trẻ em phải đu dây vượt sông tới trường, chèo thuyền đi học...
"Chúng ta hãy cùng nhau hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, ở đó mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước, tất cả trẻ em Việt Nam đều được giáo dục tốt và đạt được giấc mơ Việt Nam; người già ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe, sống trường thọ hơn và hạnh phúc bên con cháu; thanh niên ai cũng có việc làm, thu nhập cao và luôn thăng tiến trong sự nghiệp. Để đạt được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc!", Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh phiên họp sáng 10-11. Ảnh: VPQH |
Thực sự tiết kiệm chi ngân sách
Trước đó, trong các phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến bài toán cân đối ngân sách, nếu tăng trưởng GDP chỉ đạt thấp, dưới 6%.
Bày tỏ "rất thấm thía với câu hỏi này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều giải pháp, trong đó trước hết là phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này. Bên cạnh đó là tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công Sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ. Cùng với đó là tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế… Đặc biệt, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh này, Việt Nam phải đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.
Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. "Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc...
Còn một số chất vấn của đại biểu chưa được trả lời trực tiếp, tuy nhiên, Thủ tướng cam kết, sẽ trả lời đầy đủ các đại biểu bằng văn bản.
Nhận xét
Đăng nhận xét