BTT
Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam đã có cơ hội học hỏi và có thêm nhiều bài học kinh nghiệm khi tham gia cuộc thi "Môi trường an toàn" trong khuôn khổ Army Games 2020. Đại tá Ngô Văn Đĩnh, Đội trưởng Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam đã chia sẻ như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Đội tuyển Bắn tỉa Quân đội nhân dân Việt Nam xuất sắc vào nhóm A1
Đội tuyển Xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ gặp Myanmar ở vòng bán kết
Thi đấu hết mình
Đội tuyển Hóa học đứng thứ 4 chung cuộc
Đại tá Ngô Văn Đĩnh trao quà tặng Trung tướng Kirillov Igor Anatolievich, Tư lệnh Binh chủng Phòng chống hóa học, sinh học, Phóng xạ Các Lực lượng vũ trang LB Nga. Ảnh: PHẠM KIÊN. |
Phóng viên (PV): Cuộc thi "Môi trường hóa học" đã kết thúc và Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam xếp thứ 4 trong số 9 đội tham gia. Cá nhân đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả này?
Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia thi đấu cuộc thi "Môi trường an toàn" được tổ chức tại LB Nga trong khuôn khổ Army Games 2020. So với năm 2019 được tổ chức tại Trung Quốc, năm nay chúng tôi phải đối đầu với rất nhiều đối thủ mạnh như nước chủ nhà LB Nga, Trung Quốc, Armenia, đã có nhiều năm tham gia thi đấu và giành thứ hạng cao qua các kỳ Army Games cũng như đã quen thuộc với việc vận hành và điều khiển phương tiện sử dụng trong hội thao năm nay. Đặc biệt, có một số đối thủ tiềm ẩn chúng tôi chưa có thông tin về trình độ của các bạn như Belarus, Uzbekistan. Do đó, ngay từ khi sang Nga, chúng tôi xác định việc cạnh tranh cho một danh hiệu chính thức trong cuộc thi năm nay là đặc biệt khốc liệt đối với tất cả các đội.
Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam xếp hạng thứ 4 trong tổng số 9 nước góp mặt tại hội thao có thể nói là chưa đạt được kỳ vọng của chúng tôi trước khi lên đường sang LB Nga. Trong quá trình thi đấu tại LB Nga, đội tuyển Việt Nam chỉ cần thêm một chút may mắn thì có thể đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc đã cơ bản phản ánh trung thực năng lực thi đấu của các đội tuyển trong cuộc thi năm nay. Theo nhận định của cá nhân tôi, tất cả các đội tuyển đã cống hiến cho khán giả những pha tranh tài nghẹt thở với trình độ chuyên môn cao, xứng đáng với quy mô và đẳng cấp của một hội thao mang tầm quốc tế mà LB Nga chủ trì tổ chức.
PV: Trong quá trình thi đấu, Đội tuyển Hóa học gặp khó khăn và thuận lợi gì thưa đồng chí?
Đại tá Ngô Văn Đĩnh: So với cuộc thi năm ngoái, quy chế cuộc thi đã khác biệt tới hơn 80% trong tất cả các bài thi, do đó, ban huấn luyện và VĐV phải nghiên cứu rất kỹ quy chế Ban tổ chức cung cấp trước khi lên kế hoạch huấn luyện, luyện tập và bảo đảm vật chất huấn luyện trong nước, cũng như thường xuyên nắm bắt và cập nhật thông tin để kịp thời có phương án điều chỉnh tối ưu.
Khó khăn lớn nhất trong năm nay có lẽ là phương tiện. Phương tiện sử dụng thống nhất trong hội thao là xe trinh sát hóa học, sinh học, phóng xạ BTR-80. Đây là loại phương tiện QĐND Việt Nam chưa có trong biên chế. Mặc dù xe BTR-80 và xe BTR-60PB mà chúng tôi sử dụng để huấn luyện và luyện tập trong nước đều là thiết giáp chở quân bánh lốp, tuy nhiên có rất nhiều điểm khác biệt như cơ cấu vận hành và điều khiển, tầm nhìn của lái xe và góc lái, vị trí các cửa ra vào, bố trí trang bị khí tài trên xe. Bên cạnh đó, xe BTR-60PB sử dụng động cơ xăng và BTR-80 sử dụng động cơ diesel. Các VĐV lái xe và thợ sửa chữa của đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam mặc dù đã rất thuần thục trong khai thác, điều khiển và sửa chữa xe BTR-60PB cũng không tránh khỏi những khó khăn và bỡ ngỡ những ngày đầu tiếp cận loại phương tiện này.
Khó khăn thứ hai có thể nói tới là việc thay đổi điều kiện khí hậu, thao trường, chế độ sinh hoạt ăn uống cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thể lực của toàn đội. Để khắc phục vấn đề này, Ban huấn luyện chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch luyện tập, áp dụng các bài tập phù hợp để duy trì và dần thích ứng với điều kiện mới cho các VĐV. Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch bổ sung dinh dưỡng cho VĐV bằng các món ăn tự nấu mang phong vị quen thuộc. Tới thời điểm thi đấu, cơ bản VĐV có thể đáp ứng tốt với yêu cầu về thể lực, đủ khả năng thi đấu với điều kiện thao trường tại LB Nga.
Khó khăn là vậy, nhưng đội tuyển đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ tư lệnh; sự giúp đỡ về chuyên môn của Cục Quân huấn/BTTM, Cục Đối ngoại và nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng Việt Nam ngay từ khi thành lập đội tuyển và thường xuyên theo sát quá trình thi đấu của chúng tôi tại LB Nga. Đó chính là sự động viên tinh thần to lớn cho chúng tôi để vượt qua mọi khó khăn và hoàn cảnh không thuận lợi trong quá trình thi đấu. Ngoài ra, nền tảng thể lực và trình độ của VĐV chúng tôi năm nay rất tốt, nhiều VĐV đã có kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu cả trong nước cũng như quốc tế. Bản thân vị trí Đội trưởng, Trọng tài và các thành viên của Ban Huấn luyện đều có kinh nghiệm tham gia Army Games 2019 tại Trung Quốc nên chúng tôi đã tận dụng được nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện, tổ chức luyện tập và thi đấu.
Không thể không kể đến sự tiếp đón và giúp đỡ nhiệt thành của Ban tổ chức nước chủ nhà trong suốt thời gian Đội tuyển ở tại LB Nga đã giúp chúng tôi có một kỳ Hội thao thuận lợi, đảm bảo an toàn tuyệt đối, cũng như sự sát cánh của các cổ động viên là cộng đồng người Việt Nam và lưu học sinh Việt Nam tại Kostroma. Những tiếng hò reo cổ vũ của CĐV đã tiếp thêm sức mạnh cho VĐV của chúng tôi trên những bước chạy.
PV: Đội tuyển đã được nước chủ nhà hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào trong quá trình luyện tập và thi đấu?
Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Ngay từ khi đặt chân tới LB Nga, Ban tổ chức nước chủ nhà đã giúp chúng tôi sớm ổn định ăn ở, tiếp cận vũ khí trang bị, thao trường và luyện tập sẵn sàng cho thi đấu cũng như hỗ trợ chúng tôi khắc phục các sự cố kỹ thuật đối với phương tiện và trang bị trong thời gian ngắn nhất. Ban tổ chức cũng bố trí các cán bộ quân đội Nga và phiên dịch tiếng Việt thường xuyên theo sát đội tuyển, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Xuyên suốt quá trình ở tại LB Nga, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được nước chủ nhà thực hiện chặt chẽ. Cán bộ y tế LB Nga thường xuyên phối hợp với bác sĩ quân y của Đội tuyển theo dõi sức khỏe của toàn đội và hướng dẫn Đội tuyển thực hiện các quy định phòng, chống dịch của nước sở tại.
PV: Thưa đồng chí, Đội tuyển đã đúc rút được những kinh nghiệm gì tại Army Games 2020?
Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Thứ nhất và đặc biệt quan trọng là yếu tố thể lực. Nội dung thi "Môi trường an toàn" dành cho lực lượng phòng hóa thuộc quân đội các quốc gia tập trung thử thách rất lớn về thể lực của người lính hóa học khi phải vượt qua bãi vật cản thể lực mô phỏng chiến trường thực tế với đầy đủ vũ khí trang bị và đặc biệt là bộ khí tài phòng da và mặt nạ phòng độc. Nếu không có nền tảng thể lực tốt, vận động viên không thể hoàn thành bài thi.
Thứ hai là khả năng tiếp cận và khai thác tốt vũ khí trang bị. Thực tế thi đấu cho thấy việc làm chủ vũ khí trang bị chiếm vai trò rất quan trọng trong thành tích chung của tất cả các đội tuyển. Lấy ví dụ nội dung "Dò tìm nguồn phóng xạ", một trinh sát viên giỏi hiểu rõ các yếu tố và làm chủ tốt máy trinh sát phóng xạ có khả năng phát hiện chính xác nguồn được giấu sau lớp thép dày của phương tiện mô phỏng chỉ sau 1 lần quét qua tuyến dò tìm. Ngược lại, nếu phải dò lại lần thứ 2 thì không chỉ làm chậm quá trình thi đấu của toàn đội mà còn làm tăng nguy cơ bỏ sót nguồn dẫn tới bị phạt thời gian.
Thứ ba là khả năng đối phó nhanh với các tình huống bất ngờ phát sinh trong bài thi để kịp thời đưa ra quyết định hành động thích hợp. Trong bài thi thứ nhất, Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam gặp phải sự cố của động cơ trong cả 2 lần chạy. Các VĐV trưởng xe phải xác định rất nhanh tình hình, đánh giá nhiều yếu tố để kịp thời đưa ra quyết định có báo dừng cuộc thi, chấp nhận thiệt hại về thời gian để thay đổi xe hay cố gắng tiếp tục cuộc đua với một phương tiện đang gặp sự cố. Theo đánh giá của cá nhân tôi, đây là những kinh nghiệm rất thực tiễn rất cao, không chỉ trong thi đấu mà còn trong thực tế chiến đấu ở những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Thứ tư, qua hội thao lần này, chúng tôi nắm được một phần trình độ kỹ, chiến thuật của các nước có đội tuyển tham gia, đặc biệt là các trang bị mới mà các bạn mang đến hội thao. Bên cạnh đó, qua quan sát phương pháp tổ chức và điều hành hội thao của nước chủ nhà, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều.
PV: Đồng chí có ấn tượng sâu sắc nào trong lần tham gia Army Games tại Nga?
Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc thi chính là tinh thần hữu nghị và đoàn kết quốc tế giữa quân đội và nhân dân các nước, và đặc biệt là giữa nhân dân hai nước Việt Nam – LB Nga. Trên thao trường thi đấu, chúng tôi là những đối thủ, sẵn sàng thi đấu cạnh tranh hết mình vì màu cờ của Tổ quốc và dân tộc mình. Nhưng ngoài thao trường, chúng tôi là những người bạn tốt, ham mê tìm hiểu và giao lưu văn hóa.
Đặc biệt, người dân và đất nước LB Nga đã đón chúng tôi với sự nhiệt thành, hiếu khách và bảo đảm cho chúng tôi điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt nhất, cũng như đã nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về đất nước, con người và văn hóa Nga. Chúng tôi đánh giá rất cao điều đó. Ngược lại, chúng tôi cũng mang sang đây tấm lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết quốc tế và phẩm chất cần cù, chịu khó vượt qua khó khăn vốn là bản sắc của người Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy vui và tự hào là những người viết tiếp truyền thống 70 năm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và LB Nga.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nhận xét
Đăng nhận xét