BTT
Hôm cháu Minh đưa anh Trịnh Tường vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi gặp anh ở đó. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình, tôi nói: "Anh gắng điều trị bệnh, đến tuổi 90, anh em sẽ đến mừng thọ vui vẻ nhé". Anh gật đầu cười, nụ cười hiền lành vốn có. Thế mà lúc 10 giờ 15 phút ngày 27-5-2020, anh trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt gia đình, anh em, đồng đội, đi về thế giới vĩnh hằng.
51 năm trước, trước khi vào học khóa đại học báo chí chính quy, tập trung đầu tiên của miền Bắc, chúng tôi được tập trung về Báo Quân đội nhân dân (QĐND). Tại đây, chúng tôi được nghe kể về nhà báo Trịnh Tường là người say mê môn bóng bàn, đánh giỏi, nhiều lần tham gia đội tuyển của báo, của Tổng cục Chính trị đi thi đấu các giải phong trào trong và ngoài quân đội. Mãn khóa, cả đoàn học viên 24 người chúng tôi được phân về Báo QĐND. Tôi về Phòng Quân sự địa phương (từ năm 1976 đổi thành Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội, nay là Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính), bộ phận viết về miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN) do anh Hàn Thụy Vũ làm Tổ trưởng. Trong tổ có anh Trịnh Tường, anh Nguyễn Phước Sanh, anh Trương Quang Châu và tôi.
Đại tá, nhà báo Trịnh Tường. |
Viết về miền Bắc xây dựng XHCN phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Báo QĐND, lúc mới về chúng tôi tưởng dễ, là vị trí công tác nhàn trong tòa soạn báo, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy, phát hiện được vấn đề để viết, viết thế nào để đáp ứng được yêu cầu của Ban biên tập thì không dễ. Báo QĐND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là tờ báo có uy tín hàng đầu của nước ta. Yêu cầu của Ban biên tập về chất lượng bài viết rất cao. Viết bài được đăng lên báo là niềm vui lớn không chỉ với phóng viên mới mà cả các phóng viên lâu năm. Mới vào làm ở Báo QĐND, chúng tôi phải học hỏi nhiều ở lớp đàn anh. Anh Trịnh Tường là phóng viên nhiều năm viết về đề tài miền Bắc xây dựng XHCN, có vốn sống phong phú, có kinh nghiệm phát hiện nội dung để viết. Anh là cán bộ ở đơn vị, thích viết báo, được tòa soạn triệu tập về học lớp bồi dưỡng thông tin viên (TTV) rồi giữ lại làm ở Báo QĐND. Anh rất tôn trọng những người học cơ bản như chúng tôi. Có lúc anh tâm sự: "Bọn mình không được học nhiều, làm báo thiếu thốn kiến thức, như con tằm nhả tơ rồi cũng có ngày hết vốn. Các cậu được học đầy đủ các môn cần thiết cho đời làm báo, như vậy là may mắn lắm. Bọn mình tin tưởng ở các cậu". Lúc đầu mới biết nhau, anh tỏ ra dè dặt, khiêm nhường. Nhưng một thời gian cùng làm việc, thấy chúng tôi thiếu vốn sống thực tế, anh tìm cách bổ sung những khiếm khuyết này cho lớp trẻ. Cách anh làm là chỉ bảo nhẹ nhàng, đúng lúc, dùng thực tế để truyền đạt, nói dễ hiểu, dễ theo. Làm việc với anh, chúng tôi trưởng thành dần lên.
Trong công tác phóng viên, anh Trịnh Tường cũng là người đi nhiều, viết nhiều. Khi đất nước chưa thống nhất, địa bàn hoạt động trọng tâm của mảng nội dung anh được Ban biên tập phân công là miền Bắc. Chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ diễn ra ác liệt, đi làm việc bằng phương tiện công cộng, xe đạp riêng, khó khăn nhưng anh vẫn xông pha đến nơi cần đến. Sau ngày thống nhất đất nước, anh cũng đến đủ các vùng, miền. Đi là có tài liệu về để viết bài. Viết là được đăng lên báo. Anh có bút pháp riêng, không lẫn với người khác. Anh viết ca ngợi thành tích của một địa phương, một đơn vị mà không dùng những từ đại ngôn, khoa trương; viết phê bình mà lời lẽ nhẹ nhàng, không dùng từ đao to búa lớn. Biểu dương hay phê bình, anh chỉ sử dụng những đoạn bình luận khi thật cần thiết, không bao giờ quá lời. Đọc bài anh viết thấy thật bình dị, đưa cuộc sống hiện thực vào một cách nhẹ nhàng, chân thật, điều tác giả muốn nói với bạn đọc là việc làm, lời nói từ thực tế khách quan. Mỗi lần báo có bài viết của anh, tôi đều đọc chăm chú, học tập được ở anh nhiều điều.
Sau thời gian làm phóng viên Phòng Quân sự địa phương, anh Trịnh Tường được Ban biên tập điều về công tác ở Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên và làm trưởng phòng. Trong làng báo Việt Nam, Báo QĐND là tờ báo có truyền thống làm công tác bạn đọc tốt nhất. Từ số phát hành đầu tiên (ngày 20-10-1950), các mục đăng trên báo bên cạnh tin, bài, tranh, ảnh, thơ ca của anh em trong biên chế tòa soạn, đã có tác phẩm của các cộng tác viên (CTV). Báo đang phát hành nội bộ đã có Phong trào "Toàn quân làm báo" rầm rộ. Khi báo phát hành hằng ngày, ra toàn quốc, đội ngũ TTV, CTV ngày càng đông đảo, ở nhiều lĩnh vực, chất lượng cao. Có giai đoạn, Ban biên tập yêu cầu tỷ lệ bài của TTV, CTV trong một số báo ít nhất phải đạt 60%. Đội ngũ TTV, CTV của báo có lúc lên đến hàng nghìn người, đóng góp to lớn cho chất lượng Báo QĐND, đưa tờ báo đến mọi tầng lớp bạn đọc trong xã hội. Cho nên đảm nhận nhiệm vụ ở Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên, công việc của anh Trịnh Tường cũng rất bận rộn. Anh phải chỉ huy việc quản lý, phát huy tác dụng của đội ngũ TTV, CTV đã có bằng việc theo dõi, trả lời những người có tin, bài, ảnh, thơ, nhạc, tranh gửi về; viết thư gửi tới từng TTV, CTV thông báo nội dung tuyên truyền hằng tháng, hằng quý, các đợt tuyên truyền tập trung, động viên anh chị em tích cực gửi tác phẩm về cho tòa soạn. Bên cạnh củng cố, phát huy vai trò đội ngũ đã có, anh chỉ đạo, hướng dẫn anh chị em trong phòng phát hiện, xây dựng đội ngũ TTV, CTV mới. Hầu như năm nào Báo QĐND cũng mở lớp bồi dưỡng TTV, CTV, thu hút ít thì khoảng 50 người, nhiều thì hơn 100 người. Ở các lớp bồi dưỡng TTV, CTV, anh chị em tiếp thu kiến thức làm báo từ các đồng chí lãnh đạo, các nhà báo nổi tiếng của Báo QĐND, từ các giảng viên báo chí có uy tín, có trình độ cao ở các học viện, nhà trường có chuyên ngành đào tạo người làm báo. Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên còn phát hành đều đặn hằng quý Nội san Thông tin viên. Trọng tâm là hướng dẫn nghiệp vụ nhưng nội dung nội san cũng rất phong phú, không chỉ TTV, CTV của Báo QĐND thấy cần có thường xuyên, anh em trong tòa soạn thích xem mà phóng viên các báo bạn cũng tìm đọc và rút ra từ đó nhiều điều bổ ích. Để đạt được những kết quả đó, anh Trịnh Tường cùng anh chị em trong Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên đã phải cố gắng rất nhiều.
Bằng hoạt động phong phú của một phóng viên trưởng thành từ đơn vị, lăn lộn nhiều trong thực tiễn làm báo, viết nhiều bài, khi trình bày kinh nghiệm với anh chị em TTV, CTV, anh đều được mọi người lắng nghe, học hỏi. Lại có cách nói nhẹ nhàng, dễ hiểu nên những điều anh truyền đạt dễ đi vào lòng người. Anh thực sự vừa là người trao kiến thức, vừa là người "truyền lửa" cho đội ngũ TTV, CTV đông đảo của Báo QĐND.
Sau nhiều năm anh Trịnh Tường nghỉ hưu nhưng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong tòa soạn và nhiều anh chị em TTV, CTV của Báo QĐND vẫn nhắc đến anh với tấm lòng cảm phục, trìu mến.
Nhận xét
Đăng nhận xét