BTT
Đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần (PTBĐ VCHC) là quá trình chuyển từ bảo đảm chủ yếu bằng hiện vật sang bảo đảm bằng tiền, kết hợp bảo đảm bằng hiện vật theo phân cấp. Đây là một chủ trương lớn của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) và ngành hậu cần quân đội (HCQĐ), được triển khai thực hiện trong những năm qua, đã phát huy tính chủ động, lợi thế của hậu cần các cấp, góp phần trực tiếp bảo đảm đời sống bộ đội, nâng cao chất lượng công tác hậu cần, củng cố tiềm lực quốc phòng, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Vệt bài góp phần làm sáng tỏ kết quả thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn...
Đổi mới PTBĐ VCHC là bước phát triển trong công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC), phù hợp với cơ chế quản lý và các thể chế kinh tế của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương đúng đắn đó từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập với tinh thần hướng về cơ sở và vì đời sống bộ đội...
Tất yếu khách quan của quá trình đổi mới
Sau một thời gian tiến hành khảo sát về những kết quả thực hiện đổi mới PTBĐ VCHC ở các loại hình cơ quan, đơn vị trong quân đội, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu sâu và nhận thức rõ hơn những hiệu ứng tích cực của chủ trương lớn này đối với đời sống bộ đội. Đến các đơn vị, điều chúng tôi ấn tượng đầu tiên đó là hệ thống doanh trại khang trang, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; bộ đội mang mặc quân phục chỉnh tề; nhà ăn, nhà bếp gọn gàng, ngăn nắp với dụng cụ cấp dưỡng đồng bộ, sạch sẽ... Trong các buổi làm việc, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ các đơn vị đều khẳng định: Việc đổi mới PTBĐ VCHC là chủ trương hết sức đúng đắn của QUTƯ và BQP. Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần (TCHC) cho rằng: "Việc đổi mới này là tất yếu khách quan, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Quá trình đó phải bắt đầu từ nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong toàn quân. Trên cơ sở đó QUTƯ, BQP, TCHC xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước, nghị định của Chính phủ và đặc thù của quân đội".
Sản xuất quân trang ở Công ty Cổ phần X.20, Tổng cục Hậu cần. Ảnh: Lương Thảo. |
Những vấn đề Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng khái quát tuy ngắn gọn nhưng triển khai trong thực tiễn không đơn giản do liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài quân đội. Ngược dòng thời gian, trước năm 1990, việc bảo đảm VCHC chủ yếu bằng hiện vật. Theo đó, hậu cần cấp chiến lược tổ chức sản xuất, tạo nguồn hàng (trừ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nhu yếu phẩm...) cấp cho đầu mối đơn vị theo kế hoạch dự toán. Các đầu mối đơn vị tiếp nhận về bảo đảm cho bộ đội theo tiêu chuẩn. Quá trình thực hiện cho thấy, phương thức này bộc lộ những hạn chế, đó là tạo ra nhiều khâu tiếp nhận, cấp phát trung gian, phải bố trí nhiều kho bảo quản, tăng chi phí vận chuyển, đơn vị cấp dưới bị động trong bảo đảm VCHC... Để tháo gỡ bất cập này, ngày 24-2-1990, TCHC đã tham mưu với BQP ban hành Quyết định số 57/QĐ-QP và Quy định số 58/QĐ-QP về đổi mới PTBĐ VCHC. Từ thời điểm này, PTBĐ VCHC chuyển từ bảo đảm bằng hiện vật là chủ yếu sang bảo đảm bằng tiền, kết hợp bảo đảm bằng hiện vật theo phân cấp.
Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm VCHC trong giai đoạn mới, ngày 29-10-2012 Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 623/NQ-QUTW "Về công tác hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Ngày 1-7-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2016/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn VCHC đối với quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng. Thực hiện nghị định này, ngày 25-8-2018, QUTƯ ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW về đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội giai đoạn 2018-2025. Tiếp đó, ngày 26-8-2018, Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BQP về đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội. Để triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định trên, TCHC chủ động tham mưu với QUTƯ, BQP, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, góp phần hoàn thiện PTBĐ VCHC gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong quân đội. Như vậy có thể nhận thấy, những khó khăn, vướng mắc trong đổi mới PTBĐ VCHC từng bước được tháo gỡ cho phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế-xã hội và yêu cầu xây dựng quân đội trong từng giai đoạn lịch sử.
Phát huy chủ động, lợi thế của hậu cần các cấp
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về việc triển khai, thực hiện đổi mới PTBĐ VCHC tại các cơ quan, đơn vị, điều mà chúng tôi tâm đắc nhất là mặc dù còn những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, nhưng cơ bản chủ trương này đã đạt những kết quả đáng khích lệ, từ đó tạo được chuyển biến căn bản trong công tác bảo đảm VCHC. Quá trình triển khai thực hiện, TCHC đã chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể đối với các ngành chức năng và các đơn vị trong toàn quân nhằm thực hiện phân cấp triệt để cho đơn vị tự tạo nguồn; tăng cường đấu thầu rộng rãi, ký thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung; kết hợp nhiều nguồn lực để tăng khả năng bảo đảm; thực hiện hiệu quả xã hội hóa một số mặt công tác BĐHC... Việc phân cấp tạo nguồn được thực hiện theo nguyên tắc: Đơn vị tự tạo nguồn tại chỗ những mặt hàng thông dụng, như: Lương thực, thực phẩm, chất đốt, nhu yếu phẩm... có nguồn cung cấp ổn định. TCHC tạo nguồn bảo đảm bằng hiện vật các mặt hàng dự trữ chiến lược, SSCĐ, đặc chủng hoặc những mặt hàng đơn vị tạo nguồn gặp khó khăn. Vì thế, việc thực hiện đổi mới PTBĐ VCHC đã phát huy tính chủ động, lợi thế của hậu cần các cấp, giảm chi phí vận chuyển, hạn chế hàng tồn kho. Thực hiện phương thức bảo đảm mới từng bước xóa bỏ "cơ chế xin-cho", tư tưởng "lĩnh trên, cấp dưới", trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Mặt khác, các doanh nghiệp hậu cần cũng năng động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất VCHC.
Theo Đại tá An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu, thì việc đổi mới PTBĐ vật chất quân nhu gắn với thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới trong quân đội thông qua mở rộng đấu thầu, mua sắm hàng hóa theo phương thức tập trung bằng cách ký thỏa thuận khung và tăng cường phân cấp cho đơn vị đã bảo đảm sự cạnh tranh, công khai, minh bạch, tránh lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng ngân sách. Cơ quan chức năng cũng tiết kiệm được thời gian cho việc lập, thẩm định, quyết định giá thanh toán sản phẩm quốc phòng. Các đơn vị thì chủ động trong mua sắm tạo nguồn, cân đối giữa nhu cầu và khả năng trong bảo đảm tiêu chuẩn quân nhu cho bộ đội.
Trong buổi làm việc, khảo sát tại Bệnh viện Quân y 5 (Cục Hậu cần, Quân khu 3), câu chuyện về đổi mới PTBĐ VCHC cũng được Đại tá, TS Trần Đình Hưng, Giám đốc bệnh viện hào hứng chia sẻ. Anh cho rằng, đây là chủ trương đúng, trúng, nhưng cần lộ trình thực hiện phù hợp với đặc điểm từng đơn vị. Tìm hiểu thực tế tại đây, chúng tôi thấy, với đặc thù thực hiện nhiệm vụ chính trị của bệnh viện, thì việc giao cho bệnh viện thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao là rất phù hợp. Bởi lẽ, đơn vị sẽ chủ động được chủng loại thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế với giá công khai, minh bạch, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Nghị quyết "thấm" vào... mâm cơm bộ đội
Sau khi dành gần một buổi chiều để thông tin với chúng tôi về tác động tích cực của việc đổi mới PTBĐ VCHC đối với đời sống của bộ đội ở đơn vị cơ sở, Trung tá Vũ Sỹ Viện, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) dẫn chúng tôi tham quan hệ thống doanh trại, kho quân trang, kho lương thực thực phẩm, dụng cụ cấp dưỡng, kho xăng dầu và các mô hình TGSX của đơn vị. Tại đây, chúng tôi chứng kiến hệ thống doanh trại khang trang, chính quy, đồng bộ, với nguồn dự trữ hàng hóa bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Cùng chúng tôi vào nhà ăn của khối cơ quan sư đoàn, mở mâm cơm đã chuẩn bị sẵn để phục vụ bữa tối cho bộ đội, anh Viện vui vẻ cho biết, tất cả lương thực, thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, đơn vị không phải mua từ bên ngoài. Các món rau, canh, thịt, cá, trứng đều do đơn vị tạo nguồn từ TGSX, bảo đảm sạch và an toàn thực phẩm. Theo anh Viện, mâm cơm bộ đội được chế biến ngon, với nhiều món ăn đa dạng chính là minh chứng sinh động về việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của QUTƯ, BQP đổi mới PTBĐ VCHC để nâng cao đời sống bộ đội.
Thực tế cho thấy, những năm qua, cùng với việc tham mưu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, TCHC cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đổi mới phương thức tạo nguồn từ đặt hàng, giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sang các hình thức đấu thầu trong sản xuất, tạo nguồn hàng quốc phòng; chỉ đạo, quản lý chặt chẽ công tác sản xuất tạo nguồn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ, kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa, kể cả các mặt hàng phân cấp cho đơn vị. Do vậy một số mặt bảo đảm bước đầu đạt kết quả tốt như: Xây dựng các công trình, xã hội hóa một phần công tác nuôi dưỡng bộ đội và công tác vận tải...
Hiện nay, tiêu chuẩn định lượng ăn và mức tiền ăn của bộ đội được điều chỉnh tăng, phù hợp với sự biến động của thị trường; bộ đội mang mặc đẹp, thống nhất, chính quy; nơi ở, sinh hoạt, làm việc không ngừng được cải thiện; tỷ lệ đơn vị được sử dụng nước sạch ngày một cao; mùa rét bộ đội được tắm nước nóng; trang bị quân y ngày càng hiện đại góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội tốt hơn. Theo Đại tá, TS Phạm Bính Ngọ, Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Phòng không-Không quân, thực hiện đổi mới PTBĐ VCHC gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong quân đội góp phần nâng cao tính chủ động của hậu cần các đơn vị trong việc phát huy nội lực, cải thiện đời sống bộ đội. Đến nay, quân chủng đã tự túc hơn 60% định lượng thịt, 95% định lượng rau xanh, 25% định lượng cá, giá sản phẩm đưa vào bữa ăn bộ đội luôn thấp hơn giá thị trường từ 8 đến 20% ...
Có thể nhận thấy, việc đổi mới PTBĐ VCHC là bước phát triển trong công tác BĐHC, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù đạt được kết quả bước đầu, nhưng vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, tiếp tục làm rõ hơn vấn đề phân cấp, tạo nguồn và các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...
Nhận xét
Đăng nhận xét