BTT
Là con gái út trong gia đình có 4 anh em (3 anh trai), khi mới 16 tuổi, mặc dù ba má can ngăn, cô gái Nguyễn Thị Khoa, ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp đã rời nhà tham gia cách mạng. Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, nữ quân nhân Nguyễn Thị Khoa chuyển ngành và đảm nhận nhiều cương vị công tác ở địa phương.
Từ khi nghỉ hưu, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Khoa, ở khóm Mỹ Phú Đất Liền, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn không nghỉ việc, luôn noi theo gương sáng Bác Hồ, tiếp tục có nhiều hoạt động thiện nguyện, nghĩa tình vì đồng đội và cộng đồng.
Nặng lòng với đồng đội, nỗ lực vì cộng đồng
"Tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cả nước bước vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên tôi đã nhanh chóng hòa vào khí thể sục sôi đó, sớm tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Nhập ngũ được 3 tháng, tôi được cử đi học y tá và phục vụ trong quân đội"- bà Khoa hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đáng nhớ của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiều kỷ niệm khó quên.
Tìm hiểu, tôi được biết, quá trình công tác bà Nguyễn Thị Khoa được giao đảm nhiệm nhiều cương vị, như: Trợ lý dân quân, tuyển quân, rồi Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cao Lãnh; Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cao Lãnh; Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cao Lãnh; Trưởng ban Tổ chức chính quyền huyện Cao Lãnh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cao Lãnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Cao Lãnh...
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Khoa chăm sóc vườn xoài của gia đình. |
Nghỉ hưu đầu năm 2011, bà Khoa chọn cho mình cuộc sống cùng con, cháu ở vùng quê yên bình, nhưng rồi hằng ngày thấy hình ảnh những học sinh nghèo chưa được đến trường đã thôi thúc bà tiếp tục làm công tác xã hội, thiện nguyện. Nghĩ là làm, tháng 6-2011, bà Khoa tham gia Hội Khuyến học huyện Cao Lãnh và được bầu là Phó chủ tịch hội. Bà trực tiếp đi vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được đến trường. "Được quan tâm, hỗ trợ học sinh nghèo, tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn những nụ cười thân thiện và sự ấm áp, hồn nhiên trên gương mặt trẻ thơ. Tôi tâm niệm, còn sức lực thì còn tiếp tục đóng góp cho quê hương"- bà Khoa trải lòng.
Mặc dù tuổi cao, nhưng "chất lính" ngày nào vẫn tiếp lửa nhiệt tình, hun đúc bà Khoa làm việc và cống hiến hết mình. "Chất lính trong tôi lúc nào cũng thể hiện qua lời bài hát: "Mãi mãi lòng chúng ta/Ca bài ca người lính/Mãi lòng chúng ta/Vẫn hát khúc quân hành ca". Bà nhớ và thuộc từng ca từ trong bài "Hát mãi khúc quân hành" của tác giả Diệp Minh Tuyền, để cổ vũ tinh thần. Tháng 5-2012, bà tiếp tục tham gia hoạt động của các CCB và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB huyện Cao Lãnh cho đến nay. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới, bà tích cực đi vận động, tập hợp những người lính năm xưa tham gia Hội CCB; tập trung xây dựng hệ thống tổ chức hội từ cấp huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh, liên tục nhiều năm được Hội CCB tỉnh Đồng Tháp đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với vài trò là người "đứng mũi chịu sào", bà Khoa tổ chức nhiều phong trào giúp đỡ CCB cùng nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Bà đã xây dựng và nhân rộng mô hình 9+1 (9 hộ khá, giúp 1 hộ nghèo), giúp đỡ bằng vốn làm kinh tế, khoa học kỹ thuật. Chỉ trong 5 năm, đã có hơn 100 hộ CCB thoát nghèo bền vững và giúp 2 xã Tân Nghĩa, Nhị Mỹ của huyện Cao Lãnh không còn hộ CCB nghèo. Ví như CCB Trần Văn Cỏi, ngụ ấp 3, xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) được hỗ trợ chăn nuôi bò vỗ béo, đã được công nhận thoát nghèo. "Nhờ chị Út Khoa đưa tôi vào tham gia mô hình 9+1 để giúp hỗ trợ tiền mua bò về nuôi, nên tôi đã được công nhận thoát nghèo. Tôi mừng lắm! Gia đình tôi cảm ơn chị Út Khoa vô cùng"- ông Cỏi tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Khoa với những phần thưởng được trao tặng. |
Thực hiện việc xóa nhà ở tạm bợ cho hội viên CCB, nhiều người thường bắt gặp hình ảnh nữ CCB Nguyễn Thị Khoa trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ của người chồng đã qua đời để lại, đi vận động nhiều tổ chức, cá nhân, hoặc tranh thủ nguồn tài trợ của cấp trên; qua đó đã giúp xây dựng được hơn 160 căn nhà cho đồng đội, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ở bất kỳ cương vị nào, bà Khoa cũng nhiệt tình, đặt công việc lên trên hết, không nghĩ đến quyền lợi cho riêng mình. Bà xứng đáng là một đảng viên, CCB trung kiên một lòng theo Đảng, sống và làm việc noi theo gương sáng Bác Hồ.
Bà Khoa cho biết, bà học Bác ở tinh thần thực hành tiết kiệm, trong công việc, dám nghĩ, dám làm, kiên nhẫn, quyết đoán để hoàn thành nhiệm vụ. Để học Bác hiệu quả, hằng tháng, bà ghi nội dung học tập vào cuốn sổ tay để theo dõi những việc làm được, chưa làm được; đồng thời đưa ra cho chi bộ đóng góp ý kiến để hoàn thiện bản thân cũng như trong công việc. "Tôi được nghe các câu chuyện về Bác Hồ, nên tôi học theo gương Bác ở tinh thần gần dân, sát dân, bám sát cơ sở, giúp đỡ đồng chí, đồng đội"- bà Khoa chia sẻ.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Chồng qua đời sớm để lại cho bà Khoa hai người con trai trong độ tuổi cắp sách đến trường. Cùng lúc, bà vừa làm mẹ, vừa làm cha để nuôi dạy các con trưởng thành, có việc làm trong cơ quan nhà nước. "Khi chồng mất, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với bản chất người lính đã giúp tôi vượt qua tất cả"- bà Khoa nhớ lại. Đến nay, bà tích cóp mua được 10 công đất, trồng vườn xoài xen canh cây chanh. Mỗi năm, bà thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Hoàn thành công việc cơ quan xong, nhiều người thường thấy hình ảnh người phụ nữ có tuổi cặm cụi chăm sóc vườn cây ăn trái, không khác những nông dân thực thụ. Bà còn chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái cho những nông dân khác để cùng vượt khó, làm giàu.
Bà Khoa được công nhận là CCB sản xuất kinh doanh giỏi, nên được nhiều nông dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hội quán nông dân, với mục đích tập hợp nông dân lại nghe nhau nói, nói cho nhau nghe, bàn chuyện làng, chuyện xóm, trao đổi phát triển nâng cao giá trị cây ăn trái, tìm đầu ra cho nông sản, không bị thương lái ép giá. Bà còn được tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ những người sản xuất kinh doanh vì trách nhiệm cộng đồng. Cùng một lúc gánh vác nhiều vai, nhưng bà không quản khó khăn, luôn cố gắng làm tốt vai trò, trách nhiệm đầu tàu gương mẫu và luôn được các nông dân quý mến.
Bà Nguyễn Thị Khoa đóng hộp dưa chua- sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. |
Tháng 1-2018, bà Khoa bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 60 với mô hình sản xuất dưa chua. Sự ra đời của mô hình này, xuất phát từ ý tưởng tận dụng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như: Ngó lục bình, trái sung, cây sả... bà chế biến ra những sản phẩm dưa chua được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, có công dụng tốt cho sức khỏe. "Qua quá trình tìm tòi học hỏi và gặp không ít khó khăn, cuối cùng các sản phẩm dưa chua đã cung ứng ra thị trường, được nhiều khách hàng đón nhận tích cực"- bà Khoa cho biết. Mỗi năm, cơ sở dưa chua Út Khoa cung ứng ra thị trường hàng nghìn hộp sản phẩm và giúp đỡ nhiều phụ nữ ở nông thôn có việc làm ổn định. Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, chia sẻ: "Tinh thần khởi nghiệp của bà Khoa ở tuổi nghỉ hưu đã khiến nhiều người thán phục, noi theo tấm gương phụ nữ vượt khó. Bà Khoa là đảng viên, CCB tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp".
Nhiều người dân địa phương quá quen thuộc với hình ảnh nữ CCB thường xuyên điều khiển chiếc xe gắn máy cũ đi về các địa bàn khó khăn để tuyên truyền đến hội viên và người dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội ở địa phương. Bà đi khảo sát từng gia đình hội viên CCB để có biện pháp giúp đỡ thoát nghèo; có khi, bà tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, vận động thanh niên nhập ngũ, giúp đỡ thanh niên có biểu hiện vi phạm pháp luật trở thành người tốt. "Từng là người lính, nên tôi thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, nhằm giúp thế hệ trẻ tiếp thu, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ra sức học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc"- bà Khoa bộc bạch.
Ở bất kỳ cương vị công tác nào, cho dù năm nay đã 62 tuổi và trong công việc lúc thuận lợi hay khó khăn, bà Khoa luôn xác định cho mình ý chí quyết tâm của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, luôn phấn đấu không ngừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao phó; trọn đời noi theo gương sáng Bác Hồ, trọn nghĩa tình đồng đội và giàu lòng nhân ái, tận tâm tận lực vì cộng đồng.
Quá trình công tác, bà Nguyễn Thị Khoa vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng hai, hạng ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng… |
Nhận xét
Đăng nhận xét