BTT
Thời phong kiến xưa kia, quan lại chủ yếu sống bằng bổng lộc. Theo nghĩa gốc ban đầu, bổng lộc bao gồm ruộng đất, vàng, tiền, ngũ cốc… do triều đình ban phát cho quan lại. Thực chất, đây là khoản thù lao chính đáng mà những người làm quan được thụ hưởng. Nhưng sau này, bổng lộc của quan chức bị biến tướng từ các khoản vơ vét, trục lợi, nhận hối lộ… nhờ chức tước, quyền hành tạo ra.
Tàn dư thời phong kiến này tưởng như bị đào thải trong chế độ xã hội mới, nhưng nó lại có cơ hội "trỗi dậy" trong một bộ phận quan chức thời nay, mà biểu hiện nổi cộm là thói chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc, mặc dù người trong cuộc thừa biết đó là hành vi hại nước nhưng lại lợi mình.
Không ít biểu hiện chi tiêu công quỹ tùy tiện
Công quỹ là tài sản chung, quỹ chung của Nhà nước hoặc của một tổ chức, cơ quan, đơn vị. Công quỹ vừa bao hàm một phần tài sản, công sản của Nhà nước giao cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng vào mục đích chung; vừa là một phần tài sản do trí tuệ, mồ hôi, công sức lao động của mọi thành viên trong tổ chức góp vào. Với ý nghĩa đó, công quỹ phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, sử dụng đúng nguyên tắc và phục vụ lợi ích chung của tập thể. Nhưng trên thực tế vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức quyền thời gian qua đã "mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc", một biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đi kèm với các chế tài nghiêm khắc để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý những biểu hiện trục lợi, bòn rút của công. Một số luật ra đời, như: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… góp phần quan trọng vào việc làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, siết chặt chi tiêu công, bảo vệ tài sản nhà nước, qua đó góp phần rèn luyện, nâng cao tính liêm chính cho những người thực thi công vụ trong bộ máy công quyền. Phần đông đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành, tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc, quy định về quản lý, sử dụng, chi tiêu ngân sách nhà nước; tích cực thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, góp phần giảm bội chi thường xuyên, tạo thêm nguồn lực tài chính phục vụ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, bấy lâu nay vẫn có một bộ phận quan chức chưa chấm dứt thói hành xử mà dân gian gọi là "hào phóng của chùa, ki bo của bọ". Những thành phần này lợi dụng vị thế, quyền hành chủ tài khoản của tổ chức, cơ quan, đơn vị, thế nên đối với ngân sách công thì chi tiêu bạo tay, không ngại ngần cắt xén, bòn rút kinh phí cơ quan, đơn vị để đi biếu xén cấp trên, biếu xén đối tác làm ăn nhằm giải quyết công việc có lợi cho bản thân mình; trong khi đó một đồng bạc lẻ của cá nhân họ không bao giờ bị hao mòn, sứt mẻ.
Lại có cả quan chức thông đồng với bộ phận tài chính, kế toán, thủ quỹ, thủ kho để tự vẽ ra các khoản chi tiêu dù mang danh nghĩa hợp pháp, nhưng thực chất đây là một thủ pháp trục lợi công quỹ rất kín kẽ, tinh vi. Cũng có nơi, ông bí thư này, bà chủ tịch nọ, vị giám đốc kia rất thích đón tiếp, chiêu đãi các đoàn khách (cấp trên, đối tác, địa phương khác…) đến cơ quan, đơn vị, địa phương mình, nhưng thực chất họ tận dụng triệt để việc này nhằm chi tiêu công quỹ theo kiểu "khách ba, chủ nhà bảy".
Vụ việc cơ quan chức năng phát hiện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội-HĐND tỉnh Gia Lai chi tiếp khách từ năm 2013 đến 2016 ghi khống trên hóa đơn với số tiền ngân sách 3,5 tỷ đồng; hay Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chi tiếp khách, ăn uống hết gần 300 triệu đồng trong vòng 4 tháng đầu năm 2016, là những ví dụ điển hình. Gần đây, dư luận lại thêm một lần "nổi sóng" vì Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) trong 4 năm (2012-2015) đã nợ hơn 50 tỷ đồng vì liên quan đến chi tiêu sửa sang công sở, sửa xe ô tô công, mua sắm trang bị... trong đó có nhiều khoản nợ chi tiếp khách, ăn uống.
Việc "chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc" còn biểu hiện ở hành vi mua sắm tài sản công phục vụ lợi ích cá nhân quá mức quy định; sử dụng tài sản công vào việc tư; thậm chí có người không ngại ngần vay mượn cả một phần công quỹ của tổ chức, cơ quan, đơn vị để đầu tư vào bất động sản, kinh doanh của gia đình, vợ con, người thân mình.
Do có hành vi "chi tiêu quỹ công tùy tiện, vô nguyên tắc", đã có hàng trăm quan chức các cấp trong những năm gần đây, người ở mức độ nhẹ thì bị xử lý kỷ luật, thuyên chuyển công tác; người ở mức độ nặng thì bị cách toàn bộ chức vụ Đảng, chính quyền, thậm chí có người phải chịu hình phạt tù để rồi không khỏi hối hận về một thời lợi dụng chức vụ, quyền hạn vung tay chi tiêu công quỹ.
Đừng coi công quỹ như chùm khế ngọt để mà hái lượm, xâu xé
Một cán bộ nguyên là lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng kể câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Ông chứng kiến trong cùng một chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, trong khi Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế vẫn đi vé hạng phổ thông, thì có cán bộ cấp thứ trưởng ở nước ta đi vé hạng thương gia, dù chúng ta đang phải vay tiền các tổ chức tài chính này. Theo quy chế của Liên hợp quốc, chỉ khi nào bay trên 7 giờ thì cán bộ mới cần tới hạng vé thương gia vì để hôm sau đến nơi bảo đảm đủ sức khỏe sẽ làm việc luôn. Còn bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chưa đến hai giờ thì không nhất thiết phải đi hạng vé thương gia, vì tiền mua vé hạng này lấy từ nguồn công quỹ.
Có lẽ hầu như cán bộ, công chức nào cũng thừa hiểu rằng, chức vụ, quyền hạn mà mình đang nắm giữ thực chất là quyền lực nhà nước, quyền lực nhân dân, quyền lực của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình công tác đã ủy thác, giao cho để tham gia quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công. Mỗi người trên từng cương vị đã được Nhà nước cấp lương, phụ cấp công vụ và những khoản chi phí sinh hoạt, công tác phù hợp với quy định của pháp luật. Đấy là chưa kể ở khá nhiều vị trí, nhất là những người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng… rất có thể có thêm những khoản "hoa hồng" mà như người ta vẫn nói "nước chảy chỗ trũng", nghĩa là sự giàu có do chính vị trí công tác "tự thêm lãi, sinh lời" cho bản thân họ.
Trên báo chí, truyền thông từng xuất hiện những bức tranh phê phán vấn nạn một bộ phận quan chức coi công quỹ như chiếc bánh ngon khiến người cầm dao, kẻ cầm dĩa đua nhau cắt, gọt. Lại có bức họa châm biếm một quan tham háo hức trèo lên cây khế treo chiếc túi đựng ngân sách nhà nước giống như chùm khế ngọt để hái và kèm theo lời chế: "Công quỹ là chùm khế ngọt/ Cho ta thưởng thức mỗi ngày!".
Công quỹ đâu phải là chiếc bánh ngon, là chùm khế ngọt mà người ta nỡ lòng tranh nhau xâu xé, giành giật về phần mình như thế. Tài sản nhà nước, công quỹ không phải tự nhiên mà có, mà nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là "mồ hôi, nước mắt của đồng bào". Khi nói đến mồ hôi, nước mắt của đồng bào là nói đến quá trình lao động nhọc nhằn, lam lũ, vất vả, dãi nắng dầm sương, thậm chí có cả những lúc làm việc vất vả, tất tưởi của bao người dân để chung tay góp sức làm nên tài sản, ngân sách nhằm nuôi dưỡng cán bộ, công chức và duy trì hoạt động của bộ máy công quyền các cấp.
Vậy nên, hiểu đúng bản chất của công quỹ, có thái độ hành xử chuẩn mực, thực hiện nghiêm túc lời nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ: "Phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân", là trách nhiệm, lương tâm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, thì việc triệt để thực hành tiết kiệm, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả công quỹ, tài sản nhà nước là thiết thực góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét