BTT
Sự cố môi trường (SCMT) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều sự cố gây nguy hại lâu dài, tàn phá môi trường sống. Do vậy, việc chủ động ngăn chặn nguy cơ, ứng phó với SCMT không chỉ là trách nhiệm của các ngành chức năng, mà còn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của LLVT. Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, các đơn vị quân đội, nhất là các đơn vị hóa học, công binh, biên phòng… đang nỗ lực chung tay ngăn chặn SCMT bằng nhiều việc làm thiết thực.
Buổi tập huấn về ứng phó sự cố hóa chất độc hại, phóng xạ hạt nhân cho 120 cán bộ, nhân viên các đơn vị đặc nhiệm cảnh sát cơ động (Bộ Công an) do chỉ huy Lữ đoàn 87 (Binh chủng Hóa học) đảm nhiệm, diễn ra ngay tại thực địa. Nội dung tập huấn nhấn mạnh quy trình công tác phòng, chống sự cố hóa chất độc hại, phóng xạ hạt nhân; biện pháp giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thực hành thoát nạn trong môi trường khói, khí độc; sơ cứu nạn nhân ngạt khói, khí độc; hướng dẫn sử dụng trang thiết bị đặc chủng... Học viên còn được thực hành luyện tập tình huống thực tế xử lý SCMT trong phạm vi hẹp. Đây là một trong những nội dung phối hợp thực hiện công tác ứng cứu sự cố hóa chất độc hại, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn. Theo Thượng tá Trần Văn Mạnh, Phó chính ủy Lữ đoàn 87: Với nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, bảo đảm tác chiến ở chiến trường miền Nam, khắc phục sự cố hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh… thời gian qua, lữ đoàn đã tham gia nhiều dự án quan trọng, như: Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng, thu gom xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh ở kho khí tài K62 (Đồng Nai)... Gần đây, đơn vị phối hợp tập huấn kỹ năng xử lý SCMT cho nhiều lực lượng để nâng cao tính chủ động bảo vệ môi trường, ngăn chặn nguy cơ và giảm thiểu sự tàn phá của chất độc đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 87 luyện tập sử dụng khí tài xử lý tình huống rò rỉ hóa chất độc hại. |
Địa bàn miền Đông Nam Bộ có khá nhiều khu công nghiệp, tiềm ẩn những nguy cơ rò rỉ hóa chất độc hại, chất phóng xạ phát tán ra môi trường. Cùng với đó là bom, mìn, vật liệu nổ, hóa chất còn sót lại sau chiến tranh cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, các đơn vị quân đội luôn chủ động xây dựng phương án ngăn chặn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, tham gia xử lý SCMT, cứu hộ, cứu nạn. Điển hình như khu vực sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) tỷ lệ nhiễm dioxin có nơi gấp hơn 700 lần mức độ cho phép. Thực hiện chỉ đạo của trên, Lữ đoàn 87 cùng các lực lượng triển khai dự án tẩy rửa chất độc ở sân bay quân sự, mỗi đợt kéo dài 2-3 tháng, xử lý bằng phương pháp chôn lấp cô lập hơn 150.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/dioxin; tư vấn xây dựng phương án chống lan tỏa tạm chất độc da cam/dioxin khu vực Tây Nam đường băng sân bay Biên Hòa… góp phần giảm tác hại của hóa chất đến môi trường sống trong khu vực.
Mới đây, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Bộ đội Biên phòng thành phố nỗ lực tham gia khắc phục sự cố tràn dầu trên sông Lòng Tàu, do vụ chìm tàu Vietsun Integrity gây ra. Các đơn vị hóa học của Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Quân khu 7 chủ động phối hợp khắc phục sự cố cháy kho hóa chất tại Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Dragon Up (quận Bình Tân); phối hợp thống nhất kịch bản xử lý SCMT nếu xảy ra cháy nổ chợ hóa chất Kim Biên (quận 5)... Đại tá Từ Minh Sơn, Chủ nhiệm Hóa học Quân khu 7, cho biết: "Các tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra SCMT. Do vậy, chúng tôi hướng dẫn các đơn vị hóa học, công binh phối hợp với cơ quan chức năng địa phương lập kế hoạch, dự kiến tình huống ngăn chặn SCMT khi xảy ra cháy nổ tại công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, kỹ thuật... nhất là những công trình có liên quan đến hóa chất hoặc sử dụng hóa chất để ứng phó kịp thời trong mọi tình huống".
Đối với công tác rà phá bom, mìn, các đơn vị công binh chủ động triển khai nhiệm vụ ở tất cả những nơi từng là "túi bom", "tọa độ lửa" trong chiến tranh, thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ; tập trung lực lượng, phương tiện rà phá, thu gom bom, mìn, vật liệu nổ để hạn chế thấp nhất nguy cơ đe dọa cuộc sống người dân và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh… Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chia sẻ: "Sự cố cháy nổ ở Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông hồi tháng 8 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của các đơn vị quân đội mà trực tiếp là bộ đội hóa học tham gia khắc phục SCMT. Chúng tôi mong muốn các đơn vị quân đội tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với Tổng cục Môi trường và cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn hiệu quả nguy cơ về môi trường và xử lý tốt các SCMT; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho các lực lượng và phối hợp tổ chức diễn tập định kỳ ở những điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa, góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành cho nhân dân".
Nhận xét
Đăng nhận xét