- Chiều 27-11, với đa số đại biểu tán thành (bằng 81,16% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Nghị quyết quyết nghị thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội như sau: Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường; Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.
Nghị quyết cũng nêu rõ, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Nghị quyết giao Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị quyết này; quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; quy định việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường...
Nghị quyết cũng giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường khi thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật...
* Trước đó, trong quá trình thảo luận, cơ cấu tổ chức của UBND phường là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ quy định cơ cấu của UBND gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên, làm việc theo chế độ tập thể. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác đề nghị quy định UBND phường gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các công chức của UBND và UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Khi thực hiện thí điểm thì UBND không còn là cơ quan chấp hành của HĐND mà chỉ là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường (do UBND quận, thị xã quản lý biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức) để thực hiện vai trò của chính quyền địa phương ở phường.
Các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường nơi thực hiện thí điểm cũng được xác định lại để phù hợp với tính chất của một cơ quan hành chính. Với những thay đổi như trên thì việc duy trì cơ cấu UBND ở nơi thực hiện thí điểm vẫn giống như cơ cấu của UBND nơi không thực hiện thí điểm là không phù hợp.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Nghị quyết đã quy định cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các công chức của UBND (không có chức danh Ủy viên UBND như hiện nay) và UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân phường 1. Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các công chức khác của phường. Ủy ban nhân dân phường loại I và loại II có không quá 2 Phó chủ tịch; phường loại III có 1 Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường. 2. Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường. 4. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện các công việc theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường. |
Toàn văn Nghị quyết tại đây: nghi quyet thi diem to chuc mo hinh chinh quyen do thi tai tp ha noi.doc
Nguồn QĐND
St. Lê Quang Long BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét