- 85 tuổi, Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Bào, nguyên Chính ủy Trung đoàn 32 (Sư đoàn 471, Đoàn 559) vẫn khá minh mẫn. Người dân xã Võng La (Đông Anh, Hà Nội) từ lâu đã quen với hình ảnh ông già đầu tóc bạc phơ tích cực tham gia giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, nhiệt tình với hoạt động phong trào ở địa phương và các ban liên lạc. Với ông, 6 lần vinh dự được gặp Bác Hồ là động lực để ông luôn nỗ lực cống hiến.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Bào (bên phải) cùng đồng đội nhớ về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. |
Kể lại kỷ niệm 6 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, CCB Nguyễn Ngọc Bào rưng rưng xúc động. Lần đầu tiên, ông và bà con được gặp Bác ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội); lần thứ hai là tại Quảng trường Ba Đình, khi cùng học viên Trường Trung ương Đoàn tham dự lễ mít tinh đón tiếp lãnh đạo nước bạn sang thăm Việt Nam và được nghe Bác phát biểu. Lần thứ ba, Bác đến dự đón Tết Trung thu do Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô Hà Nội tổ chức; được nghe Bác kể chuyện, dặn dò. Lần thứ tư, năm 1963, Ngọc Bào được gặp Bác tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên lao động Thủ đô Hà Nội và lần thứ năm được gặp Bác ở hội nghị cán bộ của Đoàn Thanh niên lao động Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, lần được tham gia trồng cây với Bác là dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời ông.
Theo lời ông kể, để thiết thực hưởng ứng Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động, Huyện đoàn Đông Anh (Hà Nội) tổ chức lực lượng thanh niên tập trung ngày 29 và 30 tháng Chạp (ngày 31-1 và 1-2-1965) để trồng cây hai bên đường gần khu vực đền Cổ Loa. Là Bí thư Huyện đoàn, Ngọc Bào cùng đồng chí Văn, Huyện ủy viên được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 29 tháng Chạp, hơn 400 đoàn viên, thanh niên đào hố trồng cây, đặt cây vào các hố đã đào để hôm sau tiến hành lấp đất, tưới nước.
Sáng hôm sau, Ngọc Bào cùng anh Văn kiểm tra, đôn đốc và động viên anh chị em khẩn trương trồng cây. Gần 7 giờ, mấy chiếc ô tô dừng lại ở khu vực hố trồng cây. Thật bất ngờ, Bác Hồ từ trên xe bước xuống. Bác vẫy tay chào mọi người rồi đi đến vị trí trồng cây. Lúc này, tiếng hô: "Bác Hồ muôn năm!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!" vang vọng. Đoàn viên, thanh niên chạy đến chật cả một đoạn đường, chăm chú nhìn Bác trồng cây. Ngọc Bào cùng một số cán bộ huyện và chị em phụ nữ được đứng cạnh phục vụ Bác vun gốc và tưới nước. Bác trồng cây xong thì nói chuyện với thanh niên. Bác nói đại ý: Bác tham gia trồng cây để mai sau các cháu có bóng mát. Các cháu hãy chăm bón cho cây mau lớn để sớm có chỗ vui chơi. Rồi Bác nói với các cụ cao niên và dân làng: Tôi tham gia trồng cây để tặng dân làng và các cụ. Mong các cụ để tâm chăm sóc cho xóm làng bốn mùa xanh tươi…
Đó là lần Ngọc Bào được đứng gần Bác nhất và cũng là lần cuối cùng ông được gặp Bác cho đến khi Người đi xa. Đôi mắt người CCB già rưng rưng khi nhớ lại giây phút biết tin Bác từ trần: "Khi đó, tôi đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 51, Binh trạm 34, Đoàn 559. Cả đơn vị đau buồn, tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ Bác. Biến đau thương thành hành động cách mạng, cán bộ, chiến sĩ nêu cao quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"...
Những lời căn dặn và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ đã thôi thúc Ngọc Bào luôn cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật và khả năng chỉ huy. Nhiều lần Ngọc Bào đã mưu lược, gan dạ chỉ huy các đội hình xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vượt qua rừng núi hiểm trở, vượt hàng trăm trọng điểm ác liệt, đối phó với thủ đoạn đánh phá của không quân Mỹ, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.
Khi về nghỉ hưu, học tập và làm theo Bác, ông Bào gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của địa phương; tích cực tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình tri ân liệt sĩ, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho người cao tuổi, CCB địa phương… Hằng ngày, ông sưu tầm những bài báo hay, thông tin mới, theo dõi hoạt động trên các lĩnh vực của đất nước, viết sách, tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử. Khi tuổi tác và sức khỏe còn cho phép, nhiều năm liền, ông tham gia hàng trăm buổi nói chuyện truyền thống cho các thế hệ học sinh trên địa bàn. Ông tâm sự: "Tiếp lửa cho thanh-thiếu-nhi giúp các cháu hiểu rõ chặng đường phát triển của đất nước, những cống hiến lớn lao và sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh trong kháng chiến, từ đó các cháu thêm trân trọng lớp người đi trước đã không tiếc máu xương để có được độc lập, hòa bình như hôm nay, luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi".
Nguồn QĐND
St. Lê Quang Long BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét