Phát triển kinh tế bền vững, giữ vững chủ quyền quốc gia D.D BTT VP

 Trong hai ngày 30 và 31-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Các đại biểu Quốc hội thể hiện sự vui mừng, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kinh tế Việt Nam phát triển, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý về những biểu hiện phát triển chưa thật bền vững, đặc biệt là các vấn đề xã hội.  

Không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập chủ quyền

Trong hai ngày thảo luận, một số đại biểu quốc hội, đặc biệt là các đại biểu đang công tác trong quân đội đã phát biểu tại hội trường, khẳng định việc kiên quyết, kiên trì giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, công tác quốc phòng, an ninh đối ngoại được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm của Đảng. Đó là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển KT-XH.

Phát triển kinh tế bền vững, giữ vững chủ quyền quốc gia

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 31-10. Ảnh: TTXVN

"Chúng ta kiên quyết, kiên trì theo tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn, như Thủ tướng đã nói những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng. Nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp", Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp. Phải khẳng định tính đúng đắn, tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế… Chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh thực địa. Phải hết sức quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị trong nước và các giải pháp kinh tế, phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang), trước diễn biến bất ổn từ cạnh tranh giữa các nước lớn và tình hình Biển Đông đe dọa an ninh nghiêm trọng nhưng với chủ trương đúng đắn, Việt Nam rất thành công trong công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác đối ngoại song phương, đa phương với các nước và Liên minh châu Âu, tạo thế và lực mới cho Việt Nam trên trường quốc tế. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy khẳng định, cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, lực lượng vũ trang Việt Nam. Từ đó, đại biểu cho rằng, chúng ta đã có những hành động kiên quyết, kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, xử lý đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý và thực địa, tạo được đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng quốc tế, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên Biển Đông, tạo điều kiện ổn định trong nước để thu hút đầu tư, du lịch, phát triển KT-XH.

Không nên lấy tăng trưởng GDP là chuẩn duy nhất để đánh giá lãnh đạo địa phương

Đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần hài hòa trong việc đánh giá, đề ra các chỉ tiêu. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), không nên lấy tăng trưởng GDP là chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương. Ví dụ ở những vùng mà chúng ta cần bảo vệ môi trường, những vùng biên giới của đất nước, người lãnh đạo còn có các tiêu chí khác chứ không thể chạy theo GDP. "Điều này sẽ dẫn đến chuyện chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra làm công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của vùng miền đó. Những nơi mà cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà tàn phá rừng, thì phải đánh giá lãnh đạo nơi đó không hoàn thành nghĩa vụ", đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Về thu ngân sách, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) nói, kết quả năm 2019 đáng khích lệ khi mức thu vượt kế hoạch, nhưng cơ cấu thu chưa bền vững."Tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9%, nhưng các khoản tăng thu không có tính bền vững như thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh, còn thu từ 3 khối doanh nghiệp (FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đều không đạt kế hoạch. Theo đại biểu, Trung ương đang giao chỉ tiêu thu ngân sách khá cao cho một số địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương, điều này tạo áp lực không nhỏ. Do vậy, đề xuất trong thời kỳ ổn định ngân sách kế tiếp, cần tính toán cân đối hợp lý tỷ lệ điều tiết thu ngân sách về Trung ương với các địa phương có khả năng, dư địa phát triển tốt.

Khơi thông điểm nghẽn từ thể chế

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khả thi và quyết liệt trong khắc phục, khơi thông các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển kinh tế. Đại biểu Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) đề cập đến hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống, đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội… Đại biểu kiến nghị, trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2020, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đầu tư hơn cả về nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cũng cần có quy định rõ và cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Văn hóa phải trở thành vốn kinh tế 

Khi đề cập đến yêu cầu phát triển bền vững, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh yếu tố văn hóa xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu, động lực của phát triển KT-XH. Chỉ khi nào văn hóa trở thành vốn kinh tế và con người được coi là nhân tố quyết định cho sử dụng các nguồn lực khác và tạo dựng môi trường văn hóa cho hoạt động kinh tế thì lúc đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững.

Chỉ ra một loạt thực trạng buồn về ứng xử thiếu văn hóa thời gian qua, trong đó có việc gia tăng nạn sử dụng bạo lực để giải quyết các mối quan hệ xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, một số hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu, phân tích để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Đại biểu cho rằng, chúng ta vui mừng trước các kết quả kinh tế, nhưng kinh tế không phải yếu tố duy nhất cải thiện chất lượng đời sống của người dân, thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến lúc nào đó sẽ có hậu quả khôn lường về mặt xã hội. 

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, với một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam lại càng cần phải coi trọng và tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý chặt chẽ, thận trọng hơn đối với việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh, các ấn phẩm; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nghiên cứu kỹ sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh sắp xếp cơ học, nóng vội, duy ý chí.

Có bảo vệ môi trường mới bảo đảm chất lượng sống  

Trong hai ngày thảo luận, nhiều đại biểu chỉ ra những bất cập trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước và không khí thời gian qua. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng, kinh tế phát triển nhưng hằng ngày người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm, dẫn đến hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe. "Phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí, nguồn nước, thực phẩm, nghĩa là thở, uống, ăn đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự được nâng cao?", đại biểu Nguyễn Thị Phúc băn khoăn.

Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) cũng phản ánh, theo kết quả khảo sát năm 2018, có tới 74% người dân quan tâm và bức xúc vì ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư xử lý nước thải tại các địa phương chưa kịp thời; mới có 12,5% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý; 46,5% địa phương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ xả thải trực tiếp cao. Quy định dành 1% chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ đầy đủ ở nhiều nơi. 

"Ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra đáng lo ngại, trong khi sự cảnh báo của chính quyền chưa kịp thời, gây lo lắng cho người dân", đại biểu Ngô Sách Thực nói và đề nghị các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc xả thải; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn về môi trường; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật.

Nguồn QĐND

St. Lê Quang Long BTT

Nhận xét