Sáng 31-10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức phiên thảo luận "Hoàn thiện và thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam".
Các đại biểu tại phiên thảo luận. |
Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE). Phát biểu khai mạc tại phiên thảo luận, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: "Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng của Nhà nước đối với việc nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm minh và hạn chế các hành vi vi phạm đối với trẻ em. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực cải cách pháp luật, cải cách tư pháp mà Việt Nam đang thực hiện. Các tham luận cũng như ý kiến tại phiên thảo luận sẽ là nguồn tư liệu, thông tin hữu ích giúp chúng ta tiếp tục có những nỗ lực, sáng kiến, đề xuất giải pháp trong hoàn thiện, thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp thân thiện vì trẻ em. Từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung của dự án EU JULE là tăng cường xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ dàng tiếp cận hơn".
Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Lesley Miller cũng khẳng định, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc sẽ luôn đồng hành, chung sức cùng xã hội và cộng đồng quốc tế để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên đất nước Việt Nam.
Quang cảnh phiên thảo luận. |
Tại phiên thảo luận, chuyên gia đại diện các bộ, ngành đã đưa ra một số nghiên cứu, báo cáo về chính sách, pháp luật bảo đảm bảo vệ quyền của trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, suốt 30 năm Việt Nam phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện, tạo ra những cơ sở pháp lý để bảo vệ trẻ em trên thực tế. Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ em còn nhiều hạn chế, như: Thiếu quy trình tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em kịp thời; việc nhận diện những vấn đề mới của trẻ em còn thiếu cụ thể; nhiều cha mẹ chưa hiểu biết hết về quyền trẻ em và trách nhiệm gia đình; việc thực hiện trách nhiệm được giao của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan còn thiếu cụ thể…
Từ thực tiễn đó, các đại biểu tham gia phiên thảo luận đã đưa ra những ý kiến, phương hướng nhằm nâng cao thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan hữu quan của nhà nước, các tổ chức xã hội để làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp lý của trẻ em. Bên cạnh đó ông cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có thể "chung tâm, chung chí, chung sức" bảo vệ quyền trẻ em, dành sự tốt đẹp nhất cho tương lai của đất nước...
Phiên thảo luận đã góp phần đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật với những thành tựu đạt được, các khó khăn, hạn chế để từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em, đảm bảo thực thi đầy đủ những cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo vệ ngày càng tốt hơn nhóm đối tượng liên quan.
Nguồn QĐND
St. Lê Quang Long BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét