Đổi mới chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển D.D BTT VP

 Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 29-11-2005 tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.

Đổi mới chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Do đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) xây dựng trên cơ sở các chính sách quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể như: Thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi cần được hưởng các chính sách, biện pháp bảo vệ và sự phát triển toàn diện; nhóm thanh niên yếu thế gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, thanh niên làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để tạo cơ hội bình đẳng.

Cùng với đó các các chính sách quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên...

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên, bởi sau 13 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) có 18/62 điều quy định "Nhà nước có chính sách"; 9 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có những chính sách quan trọng chưa thể hiện rõ nội dung và phạm vi giao quy định chi tiết. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa về phạm vi và nội dung các chính sách dự kiến giao Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất của nghị định hướng dẫn với nội dung và tinh thần của Luật, đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa một số vấn đề tại dự thảo Luật để giảm nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đi vào những nội dung cụ thể, việc có nên quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo luật hay không là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Theo đó, một số ý kiến cho rằng nên quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật vì: Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam có bề dày gần 20 năm hoạt động với vai trò chủ chốt của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; có điều kiện nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên; việc bổ sung quy định về Uỷ ban không làm phát sinh biên chế, bộ máy, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của công tác thanh niên; đồng thời nghiên cứu, cân nhắc về chức danh của người đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Ủy ban cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ủy ban.

Một số ý kiến khác lại cho rằng không nên quy định vì: Theo Quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 28-8-2010, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, giải quyết các công việc liên ngành về công tác thanh niên, không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư vấn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Điều này sẽ bảo đảm được tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh các tổ chức phối hợp liên ngành đang được rà soát, sắp xếp lại.

Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật.

Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các ý kiến cho rằng, đây là chính sách mới, gắn liền với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên việc quy định vào dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, về cơ bản các chính sách được kế thừa Luật Thanh niên năm 2005. Tuy nhiên, nhiều chính sách còn chung chung và chồng lấn với nhiều lĩnh vực khác. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo bám sát quy định của Hiến pháp và các luật liên quan. Những vấn đề về quyền và nghĩa vụ của thanh niên đã được quy định khá đầy đủ trong các luật chuyên ngành, nên khi tiếp cận với những quyền của thanh niên cần có cách tiếp cận mới hơn, tránh trùng lặp.

"Vấn đề không chỉ ở chỗ thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì, mà thanh niên cần những điều kiện bảo đảm gì để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội theo Hiến pháp quy định", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và nhấn mạnh đến việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân cho thanh niên trong điều kiện hiện nay, nhất là bối cảnh mạng xã hội phát triển. Đây cũng là vấn đề khó của công tác thanh niên hiện nay.

Nguồn QĐND

St. Lê Quang Long BTT

Nhận xét