Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh D.D BTT VP

Sáng 28-7, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao nđộng (LĐLĐ) Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929/ 28-7-2019) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Dự lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Phú Sơn.

Dự lễ có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dự lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn buổi lễ do đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới trình bày đã khái quát quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam và tổ chức công đoàn (TCCĐ) Việt Nam qua các thời kỳ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Phú Sơn.

Cách đây 90 năm, trong không khí sục sôi cách mạng của nhân dân cả nước, GCCN Việt Nam đã quả cảm tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho giai cấp, và sâu xa hơn là để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày 28-7-1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng. Đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, TCCĐ đã vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), Công đoàn Việt Nam đã tuyên truyền, giáo dục, vận động được đông đảo CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, "lao động sản xuất giỏi", "mỗi người làm việc bằng hai", "ba sẵn sàng", "năm xung phong", "giết giặc lập công", phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4- 1975. Giai đoạn cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986), Công đoàn Việt Nam được thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung tuyên truyền, vận động CNVCLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước, đi đầu trong thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng, tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Phú Sơn.

Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ 1986 đến nay), Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo CNVCLĐ để đề ra và tổ chức các hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả. Thành tựu đất nước ta giành được trong công cuộc đổi mới là to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, các cấp công đoàn, trực tiếp là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Đồng chí Bùi Văn Cường thay mặt các cán bộ công đoàn và đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước xin hứa với Đảng, với cán bộ công đoàn và đoàn viên công đoàn lớp trước, sẽ đạp bằng mọi thách thức, khó khăn, tiếp tục sáng tạo, đổi mới, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, mãi mãi xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, là nhân tố tham gia làm nên sức mạnh, ý chí và khát vọng của dân tộc để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. Ảnh: Phú Sơn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của phong trào CNVCLĐ và hoạt động của công đoàn trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong quá trình cách mạng 90 năm, GCCN đã trở thành lực lượng hùng mạnh, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. GCCN Việt Nam tự hào luôn là lực lượng tiên phong, đứng ở trung tâm các sự kiện quan trọng của đất nước. Mặc dù có những khó khăn, trong bối cảnh mới, song GCCN và người lao động Việt Nam vẫn giữ vững truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, tin tưởng vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng là giai cấp đi đầu trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 9 thập kỷ qua, Công đoàn Việt Nam luôn là tổ chức rộng lớn của GCCN, được GCCN và người lao động tin cậy, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của GCCN và người lao động, luôn đồng hành cùng dân tộc; là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan Nhà nước, là sợi dây nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn Việt Nam đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử vẻ vang của mình, Công đoàn Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước rộng khắp. Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động mà thực sự còn là tổ chức để tập hợp, đoàn kết, giáo dục công nhân, người lao động phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của đất nước. Thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam là rất to lớn và đáng tự hào, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Hiện nay trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... đòi hỏi công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng phong trào công nhân cả nước, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Đoàn đại biểu Công đoàn Quốc phòng tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Phú Sơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Các cấp công đoàn quán triệt sâu sắc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, phát huy truyền thống vẻ vang, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm. Công đoàn Việt Nam tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thu hút, tập hợp người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của công đoàn theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; thực hiện thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước"; chú trọng công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nguồn QĐND

St. Lê Quang Long BTT

Nhận xét