Một số phần tử phản động, thế lực thù địch bên ngoài và một số người bất đồng chính kiến đang cố tình xuyên tạc, hiểu sai cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam với các luận điệu như: Chống tham nhũng vẫn có giới hạn, vẫn có vùng cấm không được đụng tới; cuộc chiến chống tham nhũng không hiệu quả; nhân dân không tin tưởng vào thành công của cuộc đấu tranh này; chế độ độc đảng lãnh đạo là cái gốc sinh ra tham nhũng... Nhưng thực tế đã chứng minh không phải như vậy.
Tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"
Cuộc đấu tranh hay cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là cuộc chiến đấu sống còn của toàn Đảng, toàn dân đối với "giặc nội xâm" để củng cố niềm tin trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì vậy, cuộc tiễu trừ "giặc nội xâm" đang được thực hiện từng bước chắc chắn, rất quyết liệt và không khoan nhượng. Từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI đến nay, các vụ án kinh tế lớn, những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến những vị "lãnh đạo to", các "dây lợi ích" mà theo suy nghĩ trước đây thì dường như khó đụng tới, nay đã được đưa ra xét xử nghiêm minh với các mức án nghiêm khắc. Trong đó, Dương Chí Dũng, từng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị tuyên án tử hình về tội tham ô, bị yêu cầu bồi thường 110 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng tới nay, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực càng thể hiện rõ tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Ngay đầu nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước), Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện rõ tinh thần này: "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân".
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn. |
Từ cựu Ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng, đến hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, rồi hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành đều bị xử lý nghiêm khắc vì tham nhũng, vi phạm pháp luật... Người nhà của một vài đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bị bắt do vi phạm pháp luật. Như thế là cả cấp Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang cũng bị kỷ luật, bị xử tù nếu tham nhũng, vi phạm pháp luật. Không có vị trí an toàn, khu vực an toàn và cũng không còn khái niệm "hạ cánh an toàn", hàng loạt cán bộ đã nghỉ hưu mà bị phát hiện có sai phạm trong thời gian đương chức vẫn bị đưa ra kỷ luật. Mới nhất là nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo; nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường bị kỷ luật cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021) về các sai phạm khi còn đương chức... Thậm chí, đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì dù đã qua đời vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật. Điều này được nêu rõ trong Văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Như thế là quy định của Đảng liên quan đến xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe cao hơn so với các quy định của pháp luật áp dụng cho các công dân. Điều này là hoàn toàn sáng suốt, thể hiện rõ tính tiên phong, tính gương mẫu của Đảng trong mọi vấn đề, trong đó có cả việc xử lý sai phạm.
Hiệu quả thấy rõ của cuộc đấu tranh
Đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, có cảm nhận việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở cấp Trung ương cương quyết hơn, "nóng" hơn, còn các cấp dưới có vẻ như "lạnh" hơn, chủ yếu là thụ động chờ các hành động của trên thì nay, tổ chức đảng ở các địa phương cũng đã chủ động PCTN, tiêu cực trong hệ thống. Điều này cho thấy, công tác PCTN đã lan tỏa, trên đã quyết tâm thì dưới dứt khoát phải chuyển động. Cụ thể như, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa kỷ luật một số cán bộ của huyện Phúc Thọ, trong đó cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ do có sai phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo, quản lý, để xảy ra vi phạm tại một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện trong thời gian ông này là Chủ tịch UBND huyện. 6 tháng đầu năm 2019, các địa phương đã khởi tố 176 vụ án/425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ (tăng 13,5% về vụ và 32,8% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018).
Một khí thế chống tham nhũng, tiêu cực đang dâng cao trên khắp cả nước. Theo báo cáo tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo kế hoạch của Ban chỉ đạo.
Thời gian qua, việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đạt kết quả khá cao. Cụ thể, vụ Giang Kim Đạt thu hồi hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng… Theo báo cáo tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, hiện nay, việc tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có giá trị tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.
Sự quyết liệt đấu tranh khiến tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 được công bố vào tháng 3 vừa qua thì hiện tượng "tham nhũng vặt" (chi phí "bôi trơn" quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép) trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước, với chỉ 54,8% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Quy mô chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1% doanh nghiệp). Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ý kiến chung của cử tri và nhân dân đều tỏ ý tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hoàn thiện các quy định của Đảng, của pháp luật (Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Luật PCTN đã được ban hành...) và kiên quyết xử lý sai phạm thì tham nhũng dứt khoát sẽ bị đẩy lùi.
Thể chế chính trị không phải là bản chất tạo ra tham nhũng
Hiện nay có ý kiến sai trái cho rằng, chế độ độc đảng lãnh đạo là căn nguyên tạo ra tham nhũng. Muốn hiểu về vấn đề này chúng ta phải nhìn nhận bản chất của tham nhũng là gì? Karl Marx cũng giống như nhiều nhà triết học phương Tây đã cho rằng, động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Mà con người thường có xu hướng muốn tối ưu hóa lợi ích của cá nhân mình, từ đó có thể làm xâm hại đến lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ đó phải có giải pháp để điều chỉnh lợi ích của cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, là tham lam, là trộm cướp". Như thế, hành vi tham ô, tham nhũng liên quan đến tư cách đạo đức của con người chứ không liên quan đến thể chế chính trị. Bởi vì, dù thể chế chính trị gì, nhưng nếu con người không được giáo dục tốt từ gia đình, nhà trường, xã hội; không có một hệ thống pháp luật tốt để ngăn chặn, răn đe, công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng thì tham nhũng sẽ có cơ hội hoành hành.
Nhìn rộng ra thế giới, không một quốc gia nào, thuộc chế độ chính trị nào có thể tự hào là miễn nhiễm đối với tham nhũng. Nước Mỹ cũng luôn đau đầu bởi vấn nạn tham nhũng. Theo thống kê của Đại học Illinois, thủ đô Washington D.C và các thành phố lớn, như: Chicago, Los Angeles, Manhattan, Miami có số công chức bị kết tội tham nhũng rất cao. Theo đó, giai đoạn từ năm 1976 tới năm 2016, Chicago có hơn 1.700 công chức bị xử lý, cao nhất tại Mỹ. Los Angeles đứng thứ hai với hơn 1.500 công chức bị xử lý. Manhattan đứng thứ ba với hơn 1.300 công chức. Đứng thứ tư và thứ năm lần lượt là Miami với 1.165 công chức và Washington D.C với gần 1.200 công chức. Nếu so sánh các bang trên bình quân đầu người (số người bị kết tội trong 10.000 dân), Columbia là bang có tình trạng tham nhũng tồi tệ nhất tại Mỹ vì cứ 10.000 dân lại có 17,24 công chức bị kết tội. Như thế, mặc dù Mỹ có rất nhiều đảng phái cạnh tranh với nhau, giám sát nhau, hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng. Hay tại châu Âu, nơi đại đa số các quốc gia theo chế độ đa đảng thì theo báo cáo về tham nhũng của Đảng Xanh châu Âu (European Green Party) công bố cuối năm 2018 cho biết một thực trạng tồi tệ, đó là các quốc gia thành viên của EU mất tới 900 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD) mỗi năm vì tham nhũng. Trước đó, báo cáo chống tham nhũng của Liên minh châu Âu (EU) năm 2014 cho hay, tham nhũng gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực này khoảng 120 tỷ euro mỗi năm. Như thế, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh, là cuộc chiến mà mọi quốc gia đều phải tiến hành.
Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt cuộc đấu tranh PCTN nếu luôn giữ vững quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân. Cùng với nâng cao chất lượng công tác giáo dục công dân, hoàn thiện các quy định của Đảng và hệ thống pháp luật, bịt các kẽ hở của luật pháp, thì việc kiên quyết trừng phạt hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng sẽ làm cho những người thực thi công vụ "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng".
Nguồn QĐND
St. Lê Quang Long BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét