Năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp (PCBNN) trong quân đội đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn công tác PCBNN, việc triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nâng nhận thức và ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) vẫn còn những bất cập, tồn tại, cần sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành.
Chủ động triển khai nhiều giải pháp trong phòng, chống bệnh nghề nghiệp
Báo cáo kết quả công tác PCBNN thời gian qua của Ban chỉ đạo PCBNN Bộ Quốc phòng cho thấy: Từ đầu năm 2018 đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng về thực hiện Luật ATVSLĐ trong quân đội ngày càng hoàn chỉnh. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ, bảo hộ lao động (BHLĐ) và PCBNN của người sử dụng lao động và NLĐ ở các đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực. Đại tá Nguyễn Chính Phong, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) dẫn chứng: Năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, toàn quân tổ chức gần 830 cuộc mít tinh hưởng ứng công tác PCBNN, với sự tham gia của hơn 65.000 cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ và NLĐ. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền gần 500 tin, bài về chủ đề ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ (PCCN).
Các cơ quan chức năng cũng đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, như: Tổng cục Kỹ thuật chủ trì, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các đơn vị trọng điểm có nguy cơ cao mất ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, BHLĐ, PCCN trong toàn quân; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chủ động, nâng cao và mở rộng công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Luật Bảo hiểm xã hội, Luật ATVSLĐ; Ban Công đoàn Quốc phòng chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục và vận động đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội về công tác ATVSLĐ...
Tăng cường huấn luyện chuyên môn, chú trọng quan trắc môi trường
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức NLĐ, công tác huấn luyện nâng trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cũng được cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng thực hiện. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn quân tổ chức gần 550 cuộc diễn tập, hội thao PCCN, sơ cấp cứu tai nạn lao động cho gần 20.000 lượt người; hơn 450 cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi cấp cơ sở với sự tham gia của gần 12.000 người; gần 250 đơn vị cơ sở thi tìm hiểu về ATVSLĐ, PCCN với 20.000 lượt người tham gia; mở hơn 530 lớp tập huấn, huấn luyện cho gần 68.000 người lao động về công tác ATVSLĐ. Cục Quân y cũng biên soạn, cấp phát gần 800 cuốn tài liệu chuyên ngành về PCBNN hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện...
Đặc biệt, việc quan trắc môi trường lao động, khám, giám định bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp coi trọng. Nói về vấn đề này, Đại tá Hán Văn Nhuận, Phó trưởng phòng An toàn và Bảo hộ lao động, Tổng cục Kỹ thuật cho biết: "Từ đầu năm 2018 đến nay đã có gần 80 đơn vị thuộc hàng chục đầu mối trực thuộc bộ tổ chức quan trắc môi trường lao động với hơn 27.600 mẫu các loại. So với năm 2017, số đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng được quan trắc tăng 1,4 lần, số lượng mẫu được đo đạc tăng gần 1,2 lần (16,8%). Qua công tác quan trắc đã kịp thời khắc phục các yếu tố, nguy cơ mất an toàn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, NLĐ trong quân đội".
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành
Mặc dù đạt được nhiều thành tích nổi bật, song, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần)-cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo PCBNN Bộ Quốc phòng vẫn thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập: Hiện nay ở một số đơn vị, việc cập nhật, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy phạm của pháp luật và các quy định mới của Bộ Quốc phòng về công tác ATVSLĐ và PCBNN chưa được thực hiện thường xuyên; công tác xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp và kiểm tra, giám sát các quy định về ATVSLĐ còn thiếu cụ thể; hồ sơ vệ sinh lao động của đơn vị còn thiếu hoặc chưa được cập nhật, bổ sung đầy đủ; chất lượng môi trường đã được cải thiện nhưng chưa bền vững (còn 17% số mẫu được quan trắc vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, trong đó, các yếu tố tiếng ồn, chiếu sáng, nhiệt độ có tỷ lệ số mẫu không đạt, vượt tiêu chuẩn cho phép lần lượt là 37,5; 26,9 và 21,1%). Cùng với đó, các nhà xưởng, nhà kho, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất của nhiều đơn vị đã lạc hậu, xuống cấp, trang bị BHLĐ đặc dụng còn thiếu, làm phát sinh các yếu tố độc hại, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ và bệnh nghề nghiệp...
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần cho biết: Trên cơ sở đánh giá khách quan, nghiêm túc công tác PCBNN, nhất là những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Ban chỉ đạo PCBNN Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường các giải pháp thực thi bảo đảm ATVSLĐ, PCBNN, như: Chú trọng tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức, ý thức của mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, NLĐ; quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực để tổ chức các hoạt động ATVSLĐ, thực hiện cải tiến quy trình công nghệ, cải tạo nhà xưởng, giảm các yếu tố độc hại phát sinh, trong đó chú trọng tới công tác phát hiện nguy cơ mất an toàn, đánh giá rủi ro, phòng ngừa, giảm tới mức thấp nhất tai nạn lao động, sự cố cháy, nổ, bảo vệ sức khỏe NLĐ trong quân đội...
Nguồn QĐND
St. Lê Quang Long BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét