Bác sĩ hết lòng vì dân trên biên giới Việt - Lào D.D BTT VP

 Không chỉ quản lý, duy trì hoạt động thu dung điều trị, khám chữa bệnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở vùng biên giới, Đại úy Phan Văn Thành, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 5, Quân khu 4 còn tư vấn, khám chữa bệnh, tuyên truyền vận động và hết lòng giúp đỡ, san sẻ những khó khăn với bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào thuộc địa phận phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Từ thành phố Thanh Hóa, sau gần 6 tiếng đồng hồ vượt qua hàng trăm khúc cua tay áo, leo dốc, băng đèo với quãng đường gần 300km để đến được huyện Mường Lát - huyện biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Từ trung tâm huyện, tiếp tục men theo sông Mã, vượt qua hơn chục kilômet đường rừng, chúng tôi mới tới được Bệnh xá Quân dân y, KT-QP 5, Quân khu 4 - nơi Đại úy Phan Văn Thành công tác, thuộc xã Tén Tằn của huyện Mường Lát.

Nỗ lực thay đổi hủ tục lạc hậu

Đại úy Phan Văn Thành (sinh năm 1975, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1998. Sau khi ra trường, 2 lần anh xung phong ra công tác tại đảo Hòn Mê, Bộ CHQS Thanh Hóa, 7 năm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân vùng biển đảo, sau khi rời đảo Hòn Mê anh về công tác tại Trạm xá Bộ CHQS Thanh Hóa, từ năm 2013 đến năm 2015 anh trúng tuyển và tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I, năm 2016 anh tiếp tục tình nguyện đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng cao biên giới, trực tiếp chỉ huy, điều hành, quản lý hoạt động của Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 5 đóng trên địa bàn xã Tén Tằn của huyện Mường Lát.

Nhận công tác ở địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn, với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, Thái, trình độ dân trí thấp, phong tục lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn với rất nhiều hủ tục đã ăn sâu bám rễ trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Người dân trong bản có người ốm nặng hoặc bị tai nạn, bà con thường mời thầy lang về cúng bái "bắt bệnh". Bởi thế, đã có không ít trường hợp bị chết oan hoặc mang thương tật suốt đời cũng chỉ vì các hủ tục này.

Trước thực tế trên, Đại úy Thành đã đề xuất và được sự nhất trí của cấp ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 5, nỗ lực cùng đội ngũ y bác sĩ, các tri thức trẻ tình nguyện, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con xóa bỏ hủ tục, không quản nắng hay mưa, trèo đèo, lội suối để đến từng hộ dân trong bản vừa khám, chữa bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, vừa kết hợp làm công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và cách ứng xử của đồng bào mỗi khi có bệnh tật.

Với cách làm đó, cùng với việc sự tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh hiệu quả của đội ngũ y bác sĩ bệnh xá, "mưa dầm, thấm lâu" đã giúp rất nhiều người dân, dần hiểu ra việc đến bệnh viện, bệnh xá chữa bệnh là cần thiết. Người dân thấy đến bệnh viện không chỉ được chữa bệnh miễn phí mà nhiều hoàn cảnh còn được các y bác sĩ cưu mang, tận tình giúp đỡ.

Để có thể gần gũi với bà con dân bản, nói để họ nghe, trong quá trình công tác, Đại úy Thành đã cố gắng tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa của người dân, nhất là học và sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để dễ dàng khám và điều trị bệnh; đồng thời tư vấn việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh dịch cho bà con.

Ông Giàng A Chứ ở bản Piềng Mòn phấn khởi khoe với chúng tôi: "Ta bị đau đầu, cúng con ma rừng mãi không được, bác sĩ Thành khám, phát thuốc miễn phí cho uống. Uống hết thuốc là hết đau. Biết trước thế này ta đã đến gặp bác sĩ Thành sớm. Đi cúng con ma rừng tốn tiền lắm mà bệnh không khỏi đâu".

Hay như bệnh nhân người Lào tên là Bon Thau ở bản Piềng Nghê, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn bị khối u ở khớp chân, đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Đến khi sang Bệnh xá Quân y và được Đại úy Thành phẫu thuật và điều trị khỏi. Sau này, khi bệnh nhân bị đau ở chân khác vẫn tìm đến Đại úy Thành, không những vậy Bon Thau còn giới thiệu cho bà con dân bản nước bạn sang tìm bác sĩ Thành để điều trị.

Hơn 3 năm về công tác vùng cao biên giới, Đại  úy Phan Văn Thành cùng các y bác sĩ Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 5 đã tổ chức thu dung, khám và điều trị cho hơn 4.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 300 bệnh nhân đến từ huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào, anh cũng đã trực tiếp đến tận các bản vùng sâu vùng xa, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm hộ dân nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn 5 xã vùng dự án; đồng thời, tham gia tuyên truyền vận động, tư vấn việc chăm sóc sức khỏe, ăn ở vệ sinh, phòng ngừa bệnh dịch cho nhân dân địa phương.

Bác sĩ hết lòng vì dân trên biên giới Việt - Lào
Đại úy Phan Văn Thành điều trị cho bệnh nhân Giàng A Chứ bản Piềng Mòn xã Tén Tằn, huyện Mường Lát.

Góp tiền giúp dân nghèo

Đối với người dân ở vùng cao huyện Mường Lát, giao thông đi lại còn gặp vô vàn khó khăn. Là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, dù đến bệnh xá để chữa bệnh, người dân đã được bảo hiểm chi trả hoàn toàn, thế nhưng rất nhiều hoàn cảnh sau khi điều trị đã không có tiền để thuê xe về nhà. Hoặc có những trường hợp khi các bác sĩ đưa về thì chứng kiến hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con cái nheo nhóc, không có sách vở học hành.

Trăn trở về tình trạng trên, những năm gần đây, Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 5 đã xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào "bắt đầu từ việc nhỏ". Theo đó, hằng tháng, những y bác sĩ ở Bệnh xá Quân dân y đã góp một phần lương, phụ cấp và trích từ quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị, gây quỹ thông qua hòm "tiền tiết kiệm".

Từ số tiền đó, Đại úy Thành đã cùng các y bác sĩ trong bệnh xá đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ. Gần 260 triệu đồng là số tiền từ hòm tiết kiệm để Đại úy Thành đã giúp đỡ hàng trăm gia đình trong việc xây nhà vệ sinh, xây bể nước sạch, mua thuốc phòng bệnh dịch cũng như giúp các cháu nhỏ mua sách vở, đồ dùng học tập…

Trường hợp của gia đình anh Vi Văn Quàng và chị Lò Thị Tượng ở bản Buốn xã Tén Tằn, khi cả hai vợ chồng và con gái Vi Thị Hoa đều bị ung thư. Thương cảm với hoàn cảnh éo le của gia đình trẻ, Đại úy Thành đã thường xuyên đến tận nhà thăm khám và tư vấn cách điều trị, cấp thuốc cho cả gia đình. Ngoài ra, anh cùng Đoàn KT-QP 5 đã giúp gia đình dựng nhà, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để có tiền chữa trị bệnh.

Nhận xét về Đại úy Phan Văn Thành, Đại tá Lê Thế Soái, Đoàn trưởng, Đoàn KT-QP 5 chia sẻ: "Những năm về công tác tại Đoàn KT-QP 5, đồng chí Thành đã thể hiện rõ được cái tâm hết lòng vì người bệnh, anh đã thực hiện đầy đủ, trách nhiệm vẹn toàn là một "Thầy thuốc như mẹ hiền". Mặc dù công tác trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn thiếu thốn, điều kiện địa bàn đóng quân đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí cũng như các hủ tục lạc hậu còn tồn tại, đồng chí Thành đã hết lòng vì bà con dân bản không chỉ đối với bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh xá mà còn thường xuyên bám bản, lặn lội đến vùng sâu vùng xa khám bệnh giúp đỡ các hộ dân nghèo. Trong công tác đồng chí Thành luôn phát huy cao độ tinh thần tích cực, tự học tập, tự nghiên cứu tìm tòi, trau dồi y đức, rèn luyện về phẩm chất lối sống, biết vượt qua khó khăn, tất cả vì người bệnh... để nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Chia tay với đồng bào vùng cao biên giới, chúng tôi thực sự cảm thấy ấm lòng, một cảm xúc lâng lâng phấn khởi dạo lên trên suốt chặng đường về xuôi. Bởi bên cạnh những khó khăn, vất vả, những hủ tục lạc hậu của người dân miền sơn cước, luôn có sự chung tay, chia sẻ và giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái như Đại úy Thành, những địa chỉ đỏ như bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 5. Và, những tấm lòng, địa chỉ đỏ ấy, đã vượt qua biên giới đến cả với nhân dân các bộ tộc Lào anh em, giữa đại ngàn biên viễn phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn QĐND

St. Lê Quang Long BTT

Nhận xét