Diễn biến phức tạp trên chính trường Venezuela, tiến trình Brexit vẫn còn nhiều chông gai phía trước để các bên có thể đạt được một thỏa thuận khả dĩ, hay việc Tổng thống Mỹ và Quốc hội đã đạt thỏa thuận mở cửa lại chính phủ liên bang… là những tin tức quốc tế tiêu điểm được bạn đọc quan tâm.
1. Chính trường Venezuela bất ổn
Chính trường Venezuela bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng hơn khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido - lãnh đạo phe đối lập - tự xưng trở thành Tổng thống lâm thời kéo theo các cuộc biểu tình rầm rộ. Cuộc khủng hoảng chính trị của quốc gia Nam Mỹ này càng phức tạp hơn khi Mỹ cùng nhiều nước trong khu vực lên tiếng ủng hộ Tổng thống lâm thời tự xưng.
Tình hình Venezuela diễn biến phức tạp những ngày qua. Ðường phố thủ đô Caracas tràn ngập các cuộc tuần hành, biểu tình do cả những người ủng hộ Chính phủ và phe đối lập tổ chức.
Nhiều cuộc tuần hành, biểu tình tại Venezuela đã biến thành bạo động. Ảnh: The Economist. |
Trước những diễn biến căng thẳng, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro cáo buộc phe đối lập tìm cách đảo chính với sự hỗ trợ của Mỹ. Ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington, đóng cửa đại sứ quán và các lãnh sự quán tại Mỹ và cho phái đoàn ngoại giao Mỹ 72 giờ để rời khỏi nước này. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố sẽ không rút đoàn ngoại giao ở Venezuela về nước, đồng thời cảnh báo đáp trả nếu các nhân viên này bị đe dọa.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng như lãnh đạo nhiều nước bày tỏ quan ngại về tình hình trên và kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Venezuela tiến hành đối thoại.
Trong lúc bạo động đang bùng nổ trên các con phố và các nước trên thế giới đang chia nhau ủng hộ mỗi phe ở Venezuela, cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này đang ngày càng lún sâu vào bất ổn.
2. Quan hệ Nhật - Hàn tiếp tục căng thẳng
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã yêu cầu Nhật Bản phải đưa ra tài liệu để chứng minh cho lập luận của mình liên quan vụ máy bay tuần tra Nhật Bản bay thấp và đe dọa tàu chiến của Hàn Quốc vừa qua.
Trước đó, chiều 23-1, máy bay tuần tra P-3 của Nhật Bản đã tiếp cận tàu Dae Jo Yeong của Hải quân Hàn Quốc ở vị trí cách đảo Ieo 131km về phía Tây Nam. Ngày 24-1, Bộ trên đã công bố bức ảnh, trong đó hiển thị khoảng cách (khoảng 540m) và độ cao (khoảng 60m) mà radar phòng không của tàu Dae Jo Yeong ghi lại được vào thời điểm máy bay tuần tra của Nhật Bản tiếp cận tàu này.
Người dân Seoul theo dõi một bản tin về máy bay tuần tra Nhật Bản trong sự cố va chạm do truyền thông Hàn Quốc đăng tải. Ảnh: AP. |
Về việc Nhật Bản lập luận rằng máy bay tuần tra của nước này đã cảm thấy bị tàu chiến Hàn Quốc đe dọa, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh máy bay tuần tra của Tokyo đã tiếp cận tàu chiến của Seoul trước, đồng thời khẳng định Hàn Quốc vẫn giữ nguyên lập trường rằng hai nước cần thảo luận cấp chuyên viên để giải quyết vấn đề lần này.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay, Seoul tố cáo máy bay tuần tra Nhật Bản được cho có hành vi bay thấp đe dọa tàu chiến của Hàn Quốc. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Nhật - Hàn đang căng thẳng những tuần gần đây liên quan tranh cãi radar trên biển Nhật Bản.
3. Chính phủ Mỹ sắp hoạt động trở lại
Ngày 25-1, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động trở lại trong ba tuần sau khi Tổng thống Trump đồng ý một thỏa thuận không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Dù không bao gồm khoản ngân sách cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới nhưng dự luật này đặt ra thời hạn 3 tuần để các nghị sĩ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và phe Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý về việc mở cửa lại Chính phủ Mỹ cho đến ngày 15-2 tới.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố chấp nhận tạm thời mở cửa Chính phủ Mỹ. Ảnh: iNews. |
Trong những ngày qua, bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico là nguyên nhân khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22-12-2018 – kỷ lục lâu nhất trong lịch sử nước này.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Trump và lãnh đạo phe Dân chủ tại Quốc hội đã tiến hành một số vòng đàm phán song đều không dẫn đến kết quả khả quan. Chính vì vậy, dù các phe phái trong chính quyền Mỹ đã đạt được thỏa thuận tạm thời mở cửa lại chính phủ, nhưng bế tắc chính trị trên chính trường Mỹ chưa phải đã tìm được "lối thoát".
4. Gian nan tiến trình Brexit
Tiến trình Brexit của Vương quốc Anh ngày càng trắc trở khi nhiều khả năng London sẽ phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thoả thuận nào.
Kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May tuần trước đã bị bác bỏ trước Quốc hội. Trong một nỗ lực mới nhằm "hồi sinh" thoả thuận Brexit, bà May đã nhanh chóng đưa ra "kế hoạch B" cho dù phương án này được cho là "bình mới rượu cũ" khi không có quá nhiều thay đổi đột phá và quan trọng.
Ảnh: ABC News. |
Giới lập pháp của Anh vẫn đang loay hoay tìm kiếm lối ra giữa mối tơ vò hiện tại. Điều mà người ta có thể chắc chắn nhất ở thời điểm này là nếu các nhà lập pháp không thể thống nhất về một kế hoạch cụ thể, Brexit vẫn sẽ diễn ra mà không có bất kỳ thỏa thuận nào định hình mối quan hệ giữa Anh và phần còn lại của EU.
Các nhà phân tích dự đoán rằng "kế hoạch B" của bà May cuối cùng cũng sẽ vượt qua cửa ải Quốc hội, khi thời hạn ngày 29-3 đang càng đến gần. Sau sự thất bại của "kế hoạch A", Thủ tướng May cho biết sẽ làm việc với các nhà lập pháp từ tất cả chính đảng để phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình Brexit.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo nước Anh sẽ càng chông gai hơn và được cho là "phi thường" khi vừa phải thuyết phục EU mở lại tiến trình đàm phán, vừa phải đảm bảo đủ thay đổi cần thiết để có phương án mới thuyết phục được ít nhất 115 nghị sĩ chuyển sang ủng hộ thỏa thuận.
5. Mỹ tăng cường trừng phạt nhằm vào Iran
Ngày 24-1, Mỹ tuyên bố đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 lực lượng dân sự nước ngoài được cho là do Iran hỗ trợ tại Syria và 2 hãng hàng không "quan hệ mật thiết với hãng hàng không Iran Mahan Air".
Một máy bay của hãng hàng không Qeshm Fars Air. Ảnh: zerohedge.com. |
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt Đơn vị Fatemiyoun và Lữ đoàn Zaynabiyoun với cáo buộc các tay súng thuộc 2 lực lượng này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyển mộ. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt trên cũng nhằm vào công ty Flight Travel có trụ sở tại Armenia và hãng hàng không Qeshm Fars Air có trụ sở tại Iran. Mỹ cho rằng 2 hãng này có quan hệ mật thiết với hãng hàng không Iran Mahan Air, hỗ trợ lực lượng Quds của IRGC cùng các đơn vị khác tại Syria.
Quan hệ giữa Washington và Tehran đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran vào tháng 5-2018. Sau hành động này, Mỹ liên tiếp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran nhằm cô lập kinh tế và chính trị của nước này.
Các lệnh trừng phạt này cũng ảnh hưởng đến những đồng minh của Mỹ tại châu Âu. Để tránh sức ép của Washington, một vài nước EU hiện đang phải tìm các biện pháp nhằm giảm hoạt động thương mại sử dụng đồng USD với Iran.
6. Diễn đàn Davos 2019
Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm nay diễn ra tại thành phố Davos, Thụy Sĩ từ ngày 22 đến 25-1, quy tụ khoảng 3.000 chính trị gia và doanh nhân toàn cầu.
Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", diễn đàn năm nay tập trung xác định một chương trình nghị sự toàn cầu, nhằm hoàn thiện hơn toàn cầu hóa, đồng thời hướng đến những đối tượng bị tổn thương trong quá trình này.
Ảnh: Brink. |
Theo Chủ tịch WEF Borge Brende, để đối phó với tình trạng tăng trưởng chững lại hiện nay, điều chủ yếu là cần có "các hành động phối hợp" để hậu thuẫn tăng trưởng và tự vệ trước các thách thức nghiêm trọng. Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, các định chế quốc tế là phương tiện chủ yếu cho phép vượt qua các thử thách chưa từng có.
Dẫu vậy, việc Tổng thống Trump quyết định ở lại Mỹ để giải quyết các vấn đề trong nước; Thủ tướng Anh May cũng hủy chuyến đi tới Davos sau khi bản kế hoạch Brexit không được Quốc hội thông qua; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự hội nghị lần này khi nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức; Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đang bận vận động cho cuộc bầu cử lần 2 nên không thể tới; Tổng thống Pháp Macron thì đang vất vả giải quyết tình trạng biểu tình "Áo vàng" suốt nhiều tuần qua… cho thấy thế giới hiện nay đang còn rất nhiều những thách thức.
Nguồn QĐND
St. Lê Quang Long BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét