Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi ông còn giữ cương vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Tôi rất ấn tượng với dáng vẻ oai phong toát lên cái uy dũng của một vị tướng (khi ấy ông mới mang cấp hàm Đại tá). Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên là trái với vẻ bề ngoài có phần đạo mạo, khi chuyện trò giao tiếp, ông lại là một người có tác phong giản dị, thái độ khiêm nhường và rất thân thiện.
Thấu hiểu vai trò quan trọng của giáo dục và khoa học công nghệ, ông là người dành sự quan tâm đặc biệt đối với những lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu này. Ngay sau khi được Quốc hội giao trọng trách hơn một tháng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành thời gian liên tục làm việc với các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng đầu của đất nước, như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, rồi sau đó một thời gian là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh ấy, khi cả nước đang rộn ràng không khí chuẩn bị đón Xuân Đinh Dậu, tôi nhận được điện thoại của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với giọng nói không giấu được sự vui mừng và xúc động thông báo Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ đến thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 4-2-2017 (mồng 8 Tết), ngày đầu tiên cả nước đi làm sau kỳ nghỉ đón xuân. Chủ tịch nước sẽ trực tiếp tham dự lễ cắt băng khánh thành phòng truyền thống ngành giáo dục. Bộ trưởng có nhã ý dành cho tôi vinh dự trực tiếp giới thiệu phòng truyền thống với Chủ tịch nước. Ông đã có những ấn tượng rất tốt đẹp về những thành tựu của ngành giáo dục được thể hiện sinh động trong phòng trưng bày, đồng thời bày tỏ niềm tin vào thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng, khóa XI.
Chủ tịch Trần Đại Quang cắt băng khánh thành phòng Truyền thống Giáo dục. |
Thời gian trên cương vị nguyên thủ quốc gia mới chỉ hơn hai năm nhưng hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến với các trường học, giúp đỡ những cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn và những lời tốt đẹp của các thầy, cô giáo nói về ông xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không khó để nhận ra Chủ tịch nước là người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Công tác lâu năm trong ngành công an và sau đó trở thành nguyên thủ, địa vị đổi thay, đại sự quốc gia bộn bề nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn giữ được phong cách ung dung tự tại, mang cốt cách của một học giả, một người thầy giáo. Tôi hết sức khâm phục ông và chưa thể lý giải được vì sao một người làm chính trị chuyên nghiệp như ông lại có được cốt cách ấy. Trong dịp nước ta chuẩn bị đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, tôi được Chủ tịch nước mời tới để hỏi một số chuyện về lịch sử Hoa Kỳ. Tôi chuẩn bị đầy đủ các tư liệu, nhưng thật bất ngờ là nhiều kiến thức trong số đó, Chủ tịch nước đã đọc và biết trước. Điều Chủ tịch nước yêu cầu tôi giúp là chính xác hóa các chi tiết và nêu các ý tưởng để khi tiếp ông Obama. Thông qua những kiến thức đó, Chủ tịch nước vừa làm cho Tổng thống Hoa Kỳ hiểu về văn hóa Việt Nam, vừa biểu thị sự tôn trọng của mình với lịch sử và văn hóa của họ.
Bút tích Chủ tịch Trần Đại Quang. |
Sau lần Chủ tịch nước thăm Singapore và có bài phát biểu tại Viện Yusof Ishak, tôi có dịp trao đổi với một số học giả nước ngoài và được nghe họ đánh giá rất cao luận điểm của ông cho rằng nếu xung đột vũ trang nổ ra trên Biển Đông thì sẽ không có ai thắng. Theo họ, đây là thông điệp thể hiện thái độ thiện chí, yêu hòa bình của Việt Nam, nhưng lại hàm chứa một ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của dân tộc, thể hiện nhất quán quan điểm của Việt Nam không muốn có xung đột vì từng hiểu sâu sắc cái giá đắt phải trả nếu chiến tranh nổ ra. Đây là một ý tưởng đạt tới tầm cao trí tuệ. Từ khi Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore bắt đầu mời các nguyên thủ quốc gia đến thuyết giảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới là diễn giả thứ 38. Trước đó là những nhân vật danh tiếng của thế giới, như: Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người say mê nghiên cứu khoa học. Tôi có may mắn được Bộ Công an mời tham gia Hội đồng nghiệm thu đề tài "Văn hóa ứng xử của lực lượng Công an nhân dân (CAND)". Tôi thật bất ngờ với những luận điểm của chủ nhiệm đề tài cho rằng đối với lực lượng CAND, văn hóa ứng xử không đơn thuần chỉ là phương thức giao tiếp mà phải được coi là một phần trong kiến thức nghiệp vụ và là loại vũ khí sắc bén. Chính vì vậy, một kiến nghị quan trọng được nêu ra là phải xây dựng hệ thống bài giảng có hệ thống về văn hóa ứng xử và đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường thuộc Bộ Công an. Có lần trò chuyện, ông nói với tôi rằng trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND, điều nào cũng bắt đầu từ hai chữ "Đối với". Đây chính là những chỉ dẫn quan trọng cho ông hình thành đề tài nghiên cứu khoa học này. Không phải ngẫu nhiên mà cùng với tác phẩm "Không gian mạng-Tương lai và Hành động" bàn về những vấn đề hiện đại, tôi còn được tặng cuốn sách "Nhân dân-cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc", trong đó trình bày rõ bản chất và nền tảng sức mạnh của lực lượng công an cách mạng chính là nhân dân.
Trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hết sức quan tâm đến giáo dục lịch sử. Trong một số lần được diện kiến, trao đổi, tôi thấy Chủ tịch nước hết sức quan tâm đến thời đại nhà Trần. Lúc đầu, tôi nghĩ ông họ Trần nên quan tâm đến triều đại này. Nhưng dần dà tôi nhận ra rằng, suy nghĩ ấy hoàn toàn không đúng. Chủ tịch nước cho rằng trong lịch sử dân tộc có rất nhiều thời kỳ làm nên những kỳ tích oai hùng, nhưng nước Đại Việt thời Trần có ba điều các nhà sử học nên cần hết sức chú ý tập trung nghiên cứu. Thứ nhất, đó là thời xây dựng thành công một chính quyền thân dân. Đó là cội nguồn sức mạnh để ta ba lần thắng được kẻ địch hung hãn nhất thế giới thế kỷ 13. Thứ hai, đây là thời kỳ có rất nhiều bài học về kế sách trì hoãn chiến tranh trước một thế lực hung hãn. Ông nói: Các cụ xưa phải nhẫn nhịn thế nào đó mới giữ được hòa bình gần 30 năm (1258-1285). Thứ ba, những tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm, một Phật phái thuần Việt đã trở thành bệ đỡ tư tưởng cho nhiều triều đại sau đó. Những ý kiến thật uyên bác và sâu sắc. Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị thành lập Viện Trần Nhân Tông đã được ông nhiệt thành giúp đỡ.
Có thể nói nhiều, rất nhiều về Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhưng điều đọng lại trong tôi về ông lại là khí chất của một con người nghiêm túc nhưng rất trọng tình nghĩa, rất quyền biến khi xử lý công việc ở bất kỳ cương vị nào, nhưng lại cương trực, thẳng thắn. Khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Công an, có lần tôi tới phòng làm việc thấy có bức thư pháp ghi 4 chữ "Cấm y nhật hành" (áo gấm đi ban ngày), tôi hiểu ngay đây là con người luôn đề cao sự quang minh chính đại.
Có một điều nói ra ít người tin, nhưng lại là sự thật. Đó là hầu như tất cả những lần tôi gọi điện hay nhắn tin đều được Chủ tịch nước hồi đáp. Nếu khi ấy ông đang bận thì sau liền gọi hoặc nhắn tin lại. Lần duy nhất tôi không được trả lời, đau buồn thay lại là lúc Chủ tịch nước đã ở vào thời khắc sắp đi xa.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ra đi vĩnh viễn. Đây là một tổn thất lớn của đất nước. Ông là một vị nguyên thủ, nhưng lại là một con người bình dị, gần dân.
Vô cùng thương xót và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang!
Nhận xét
Đăng nhận xét