73 năm đã qua, nhưng bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" vẫn còn nguyên giá trị lich sử và ý nghĩa đương đại, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã nhận định, mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng sâu sắc và tất yếu phát-xít Nhật sẽ hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương... Trong bài "Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!" đăng trên báo Cờ Giải phóng (ngày 15-2-1944), Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: "Sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra". Từ đó, vấn đề "đảo chính của phát-xít Nhật" luôn được đề cập trong các văn kiện, tài liệu tuyên truyền của Đảng ta và định hướng chuẩn bị cho phong trào cách mạng... Sự thật, đêm 9-3-1945, trong khi Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ta khai mạc tại Đình Bảng (Bắc Ninh) thì Nhật đảo chính Pháp.
Trước diễn biến tình hình rất mau lẹ, ngày 12-3-1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Nội dung Chỉ thị thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học và nghệ thuật chỉ đạo cuộc cách mạng tài tình của Đảng ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa; đặc biệt, là xác định đúng kẻ thù, dự báo chính xác thời cơ cách mạng, linh hoạt, sáng tạo và chuẩn bị mọi điều kiện làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến.
Lịch sử đấu tranh cách mạng đã khẳng định giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc của việc xác định đúng kẻ thù; bởi vì, có xác định đúng kẻ thù mới có đối sách, hình thức và phương pháp đấu tranh, tác chiến phù hợp... Chỉ thị chỉ rõ: Kẻ thù của nhân dân Đông Dương là phát-xít Nhật và tay sai của chúng. Vì vậy, Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi phát-xít Nhật - Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát-xít Nhật"; tạm gác khẩu hiệu "Tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ phong kiến", chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn địa chủ làm tay sai cho đế quốc, phát-xít. Thực hiện chủ trương này nhằm khoét sâu hơn mâu thuẫn giữa đế quốc, phát-xít với giai cấp địa chủ phong kiến; mặt khác, phân hóa ngay chính nội bộ giai cấp địa chủ phong kiến theo hướng có lợi cho việc mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc để tập trung kháng Nhật.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại kho tàng lý luận quân sự và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những bài học đó là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nghệ thuật nắm và chớp thời cơ, tiến hành cách mạng, giành thắng lợi... Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" không chỉ xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa, mà còn chỉ ra các tình thế cách mạng "có thể" tạo thành thời cơ cách mạng một cách linh hoạt, sáng tạo, vừa thể hiện khả năng tư duy chiến lược của Đảng, vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc.
Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" là một bài học có giá trị lịch sử to lớn thể hiện ở khả năng lãnh đạo cách mạng linh hoạt, sáng tạo và độc đáo của Đảng ta trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh... Khi nhân dân đã sẵn sàng hành động "giải phóng cho ta", thì Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa; đổi mới hình thức tuyên truyền, cổ động cho thích hợp với thời kỳ tiền Tổng khởi nghĩa (như: Biểu tình, bãi công đơn vị, phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân, đẩy mạnh xây dựng đội tự vệ cứu quốc...). Tiếp đó, xác định phương châm đấu tranh, Chỉ thị nêu rõ: "Phát động đấu tranh du kích giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa ta lúc này là phát động cao trào kháng Nhật cứu nước với những hình thức, phương pháp đấu tranh từ thấp lên cao và phù hợp với giai đoạn tiền khởi nghĩa, xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc - tức, Chính phủ cách mạng lâm thời...".
Thực tế lịch sử cho thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và ánh sáng cách mạng của bản Chỉ thị đã tạo ra Cao trào kháng Nhật cứu nước sôi nổi trên phạm vi cả nước... Phong trào toàn dân kháng Nhật cứu nước đã phát triển thành cao trào cách mạng, hình thành tổ chức và vận dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh; trong đó, lấy đấu tranh vũ trang làm cơ sở là bước phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng, tạo tiền đề cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Giá trị lịch sử của Chỉ thị còn thể hiện ở nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và định hướng đấu tranh sát với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, tạo tiền đề (bước tập dượt) cho Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Thực tế, tương quan lực lượng giữa ta và địch ở mỗi nơi không giống nhau, cách mạng có thể chín muồi ở các địa phương không đều nhau nên Thường vụ Trung ương Đảng đã Chỉ thị: "Nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, rồi tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc" và "không được ỷ lại vào bên ngoài khi tình thế biến chuyển thuận lợi, mà phải dựa vào sức mình là chính".
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền... Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịnh sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nguồn: báo QĐND
Trung BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét