Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng giáo sư-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê.
Tham dự lễ viếng có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Đông đảo các thế hệ học trò, đại diện các trí thức, các nhà văn hóa, các cơ quan bộ, ngành, địa phương, một số tổ chức quốc tế đã đến viếng, tiễn biệt giáo sư sử học-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê.
Giáo sư-tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam , ủy viên Ban Tổ chức lễ tang cho biết, giáo sư Phan Huy Lê đã qua đời vào hồi 13 giờ 6 phút ngày 23-6 tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 84 tuổi.
Giáo sư-nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong suốt thời gian dài (1988-2016).
Ông cũng từng được suy tôn làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cơ sở đào tạo đại học hàng đầu đất nước.
Giáo sư Phan Huy Lê còn được biết đến là một trong những người đã khai mở thành công ngành Đông Phương học tại Việt Nam, in dấu ấn đậm nét trong giới nghiên cứu trong nước và quốc tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một học giả trước tương lai hội nhập quốc tế mạnh mẽ của dân tộc.
Ông cũng là nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa của ông đã vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
Giáo sư Phan Huy Lê cũng đã được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)...
Lễ viếng và truy điệu giáo sư Phan Huy Lê đã diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ trong không khí đầy thành kính và xúc động.
Lễ an táng ông được tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13 giờ cùng ngày.
Nguồn: tccs
Hạnh TT
Nhận xét
Đăng nhận xét