Năm 1923, nhà báo Xô viết Osiv Mandelstam đã đưa ra những lời nhận xét rất xác đáng về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn đang là chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: "Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Phú Thọ.
Có thể nói, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về văn hóa các dân tộc trên thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã hòa quyện với cái gốc văn hóa truyền thống dân tộc không gì lay chuyển được ở Hồ Chí Minh, kết tinh ở Người những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Mà cốt lõi trong tư tưởng văn hóa ấy chính là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người hết sức bao la, sâu sắc.
Bác quý trọng nhân cách con người. Dù người đó là ai, tầng lớp nào, bên Bác dẫu một lần cũng cảm thấy giá trị của cuộc đời được nâng lên. Bác tôn trọng từ các bậc hiền tài, chí sĩ, các nhà khoa học, cho tới những người lao công quét rác, những chị phục vụ, những anh nấu bếp. Đối với Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Bác không bao giờ nói "cho" mà chỉ nói "biếu cô", "biếu chú", "tặng cô", "tặng chú"… Bác không ngồi nghe khi người khác đứng nói, sẵn có ghế Bác mời cùng ngồi, nếu không có ghế thì cùng đứng, có lần đến thǎm bà con nông dân, có các cụ già đến nghe Bác nói chuyện không có ghế phải ngồi xuống đất, Bác bảo tìm ghế cho các cụ rồi Bác mới bắt đầu nói chuyện với mọi người.
Tham gia chống hạn với dân, trời nắng to có đồng chí cầm ô che cho Bác, Bác bảo: Dân chịu được thì Bác cũng chịu được.
Trong "muôn vàn tình thương yêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng chí, đồng bào, luôn có chỗ cho mọi người, mọi giới trong xã hội, Bác không quên, không bỏ sót một ai. Mùa hè năm 1967, khi xe đưa Bác đi công tác về qua Quảng trường Ba Đình, nhìn lên nóc nhà hội trường Ba Đình, thấy các đồng chí bộ đội phòng không ngồi trực chiến trên mâm pháo dưới cái nắng hầm hập phả hơi nóng như thiêu như đốt, Bác rất thương anh em. Bác nói với các đồng chí văn phòng rút hết số tiền 25.000 đồng còn trong cuốn sổ tiết kiệm từ tiền nhuận bút viết báo, viết sách của Bác (lúc đó tương đương giá 60 lượng vàng), đem sang Bộ Quốc phòng gửi tặng bộ đội phòng không uống nước giải khát.
Ngay cả với những người lầm đường lạc lối hay phạm sai lầm, Bác vẫn đối xử một cách độ lượng, khoan hồng. Bác kêu gọi nhân dân "khoan hồng đại độ" đối với những ai tham gia ngụy quân, ngụy quyền và căn dặn cán bộ nên "đối đãi nhân đạo với các tù binh" để "cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước".
Là vị Cha già kính yêu của dân tộc,
Bác luôn dành tình cảm yêu thương cho tất cả mọi người,
đặc biệt là các em thiếu nhi.
Khoan dung độ lượng, tôn trọng con người, nên trong ứng xử với cán bộ, với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái, nhiệt tình. Thái độ đó xuất phát từ cái tâm chân thành và trong sáng của Hồ Chí Minh, muốn hòa vào cuộc sống tất cả mọi người.
Là Chủ tịch nước, nhưng đối với người nhiều tuổi hơn, Bác luôn tỏ ra cung kính. Hằng nǎm Bác thường gửi lụa tặng quà cho các cụ cao niên, khi tiếp các cụ, Bác thường xưng hô cung kính "các cụ ông, cụ bà", có khi Bác nhận mình là em, là cháu đối với các cụ. Viết thư gửi với cụ Phụng Lục, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông, Bác đã cung kính xưng hô là "cháu": "Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn Cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ, để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và kiến quốc. Cháu gửi Cụ lời chào thân ái và quyết thắng. Hồ Chí Minh".
Về thǎm Trà Cổ, gặp gỡ nói chuyện với nhân dân xứ đạo, Bác gặp và chúc thọ riêng Cụ Thiệm là người cao tuổi, Bác khen cụ đã già nhưng vẫn làm gương cho các cháu, chǎm lo thờ phụng Chúa, thực hiện giới rǎn, thi đua sản xuất công tác. Bác nói: "Chúng ta nên kết nghĩa anh em, Cụ nhiều tuổi hơn xin cụ nhận là anh". Cụ Thiệm luống cuống xua tay. "Không dám, không dám. Cụ làm việc cho cả nước cả dân tộc, Cụ phải là anh, còn tôi chỉ quanh quẩn ở xã không dám nhận vinh dự đó, Cụ nhận tôi là em cũng là phúc lắm rồi". Bác nói chân tình: "Dẫu sao Cụ là lớp đàn anh đi trước, xin Cụ nhận cho". Nói rồi Bác thân ái tặng Cụ Thiệm vải và chǎn bông.
Sự ân cần niềm nở, đượm tình nghĩa của Hồ Chí Minh còn xuất phát từ những suy nghĩ đúng đắn về con người, không những chỉ biểu hiện trong cách xưng hô mà còn chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của mọi người. Ngay những lúc cán bộ cấp dưới hay những người phục vụ có sai sót, Người cũng không cáu gắt mà luôn nhẹ nhàng bảo ban có lý, có tình, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc.
Đồng chí Phan Văn Xoàn, từng 10 năm làm cận vệ cho Bác, kể: Có lần, chúng tôi đưa Bác đi thực tế. Đi bộ, tắt rừng, vượt đồi. Đi một lát, phát hiện ra lạc đường, anh em cảnh vệ toát mồ hôi. Bác biết nên hỏi: "Các chú nhầm đường phải không?". Chúng tôi đành thú thật: "Dạ, chúng cháu thấy hơi lạ". Vừa trả lời, tim vừa đập thình thịch, Bác khoát tay: "Thôi được, cũng mệt rồi, Bác nghỉ chút. Các chú xem lại thử". Nghe Bác nói chúng tôi thở phào. Thái độ bình thản và gần gũi của Bác khiến chúng tôi yên tâm trở lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chinh phục mọi người bằng chính trái tim yêu thương con người, từ chính phong cách ứng xử đượm chất nhân văn của mình khi Người còn sống, và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng rộng lớn, sâu xa đến mọi người khi Người đã đi xa. Người mãi mãi là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ chúng ta noi theo.
-NTN-
--
(Sưu tầm-tổng hợp)
D.D BTT-VP
Nhận xét
Đăng nhận xét