Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Lời huấn thị đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước nhưng trước hết phải hiểu truyền thống lịch sử của dân tộc, đất nước, từ đó kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, các bảo tàng có vai trò rất quan trọng.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL-CTP, nêu rõ: "Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam"; qua đó cho thấy sự quan tâm của Bác và tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Các đại biểu dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ IX tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (tháng 11-2017). Ảnh: Văn Thuận. |
Trong hệ thống các bảo tàng ở Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là thiết chế văn hóa đơn thuần, mà còn là bộ phận không thể thiếu của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời là nơi lưu giữ và trưng bày các tài liệu, hiện vật về LSQS, về di sản văn hóa quân sự của quân đội, của quốc gia. Một trong những nhiệm vụ chính của Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng LSQS Việt Nam), được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ khi Người duyệt hệ thống trưng bày ngày 12-12-1959, là: "Bảo tàng Quân đội là một "cuốn sử sống" có tác dụng rất to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Bảo tàng Quân đội còn giúp khách nước ngoài hiểu rõ về Việt Nam ta, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Vì vậy, bảo tàng phải tạo điều kiện tốt nhất để cho khách đến tham quan". Lời huấn thị của Bác càng khẳng định, công tác giáo dục truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng LSQS Việt Nam nói riêng và các bảo tàng trong quân đội nói chung.
Hiện nay, vai trò giáo dục truyền thống cách mạng của bảo tàng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để phát huy kết quả đạt được trong giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là với thế hệ trẻ, trước hết, công tác bảo tàng cần tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tàng về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự, truyền thống cách mạng của dân tộc, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ. Cần đặc biệt chú trọng công tác trưng bày, giải pháp mỹ thuật tiên tiến, có quy chuẩn rõ ràng, phù hợp với xu thế hiện đại và ứng dụng công nghệ kỹ thuật nghe nhìn mới, cung cấp nhiều thông tin… nhằm thu hút khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chú trọng xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình giáo dục, không gian khám phá, trải nghiệm cho giới trẻ mang tính sư phạm phù hợp với đặc thù của loại hình bảo tàng lực lượng vũ trang, nhằm thu hút hứng thú của giới trẻ khi đến bảo tàng, giúp các em yêu thích môn Lịch sử hơn. Quan tâm hơn nữa trong nâng cao chất lượng tổ chức tham quan, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu và sự phản hồi của thế hệ trẻ sau mỗi cuộc tham quan, sử dụng đa dạng các phương pháp hướng dẫn, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các em, tổ chức các hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sức khỏe và sở thích của giới trẻ. Tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và sự phối hợp giữa các bảo tàng, khu di tích; đẩy mạnh hoạt động tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống về sự kiện, về nhân vật lịch sử tại các nhà trường, các cơ quan, địa phương. Chú trọng hoạt động phối hợp tuyên truyền, nhất là quảng bá, giới thiệu sự kiện, nhân vật lịch sử. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nội dung trưng bày trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường truyền thông trên trang web, kết nối đường dẫn trang web của các bảo tàng, di tích với các nhà trường trong và ngoài quân đội.
Bảo tàng ra đời là một tất yếu lịch sử, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, hệ thống bảo tàng càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bồi đắp nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, nhất là của thế hệ trẻ.
Văn Thành . BTT
Nhận xét
Đăng nhận xét