Hãy dành 2 phút để đọc để nhìn và tri ân những người đã đánh đổi tất cả để cho chúng ta được sống hòa bình! 30 tháng 4, ngoài những giây phút vui chơi hãy dành một khoảng lặng để tỏ lòng biết ơn họ. Tôi đã rơi nước mắt khi thấy những hình ảnh này... Việt Nam bi tráng, những con người anh hùng đang chịu đựng đắng cay nhưng vui sướng lại được ôm cờ Tổ quốc.
Thương binh tâm thần và nỗi ám ảnh chiến tranh.
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã không còn tiếng bom đạn, thế nhưng với những người thương bệnh binh tâm thần thì nỗi đau, nỗi ám ảnh về những trận đánh khốc liệt vẫn luôn dày vò tâm trí họ. Chúng ta sẽ cùng đến với Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần, thấu hiểu hơn những vết thương còn nhức nhối trên thân thể các thương bệnh binh, tri ân những hy sinh mất mát của thế hệ cha anh, đổi lấy cuộc sống hòa bình ngày nay.
Trong những ngày tháng 7 tri ân, được khoác lên người bộ quân phục .... tay cầm cờ đỏ sao vàng ... những người thương bệnh binh nửa tỉnh nửa mê bỗng trở thành những người lính cụ Hồ tràn đầy niềm vui chiến thắng. Họ hò reo ăn mừng cho chiến công của quân ta, mải miết phất lá cờ đỏ sao vàng để báo hiệu tin vui cho đồng đội. Với bệnh binh Phạm Mạnh Cường, chiến tranh mới chỉ như ngày hôm qua, những ký ức chắp vá về trận đánh ở Đồng Đăng luôn hiện về trong mỗi câu chuyện.
Bệnh binh - Phạm Mạnh Cường: Ngày xưa chiến đấu ở Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, nó chỉ đánh lả tả thôi, nó chỉ câu pháo vào nó phá trận địa, quân ta xông lên, đội hình của nó cũng xông lên. Ta thổi tù và xông lên, đánh đuổi nó lui mấy đại đội. Ta giải phóng Đồng Đăng cho quân về phía sau.
Ở khu điều dưỡng người có công tâm thần, những toa thuốc điều trị chỉ có tác dụng nhất thời, sự thấu hiểu, động viên mới chính là liều thuốc tốt nhất xoa dịu vết thương không lành trong tâm trí họ. Đôi khi, những ký ức chiến tranh vọng về, khiến cho người thương bệnh binh lên cơn tái phát tâm thần. Người thì la hét, ra lệnh xung phong, người thì đột ngột chào cờ và hát vang ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" cũng có người bỗng nửa đêm bật dậy khóc thương cho đồng đội vừa mới hy sinh.
Y sỹ Đào Thị Nhung - Trung tâm CS&PHCN người tâm thần tỉnh: Có những hôm thì cũng thấy một bác không ngồi ở trong giường mà cứ ra sau nhà vệ sinh khóc, tôi cũng vào động viên hỏi sao anh lại ngồi đây mà khóc thế này. Anh ấy bảo tôi thương anh Báu bạn tôi, anh ấy vừa chết hôm qua mà anh ấy có cô người yêu xinh lắm. Lúc ấy chúng tôi chỉ biết động viên an ủi anh Báu được đưa đi cấp cứu rồi, giờ anh về giường uống thuốc rồi ngủ đi, ngày mai chúng tôi dẫn anh đi thăm anh ấy.
Có khi chúng tôi thấy bệnh nhân ở giữa 2 khe cái bể, chúng tôi hỏi sao anh lại ở đây, bệnh nhân trả lời là tôi đang nấp bom, khi đó tôi lại nói là hết bom rồi, chúng minh ra ngoài lao động đi. Rồi nửa đêm hô hào xung phong, rất nhiều những ký ức chiến tranh như thế. Lúc đó chúng tôi phải an ủi, động viên vỗ về. Có những khi chúng tôi phải đồng hành với họ, cũng mốt hai mốt với họ rồi hô nghiêm, trở lại vị trí ban đầu thế là người ta lại trở lại vị trí ban đầu.
Trong số những thương bệnh binh tâm thần đang điều trị tại trung tâm, có người đôi lúc còn tỉnh táo, còn nhớ được gia đình người thân, nhưng nhiều người trong số họ không thể nhớ nổi mình là ai, tại sao lại đến nơi này và đã sống ở đây bao lâu. Những ký ức còn sót lại trong tâm trí họ chỉ đơn giản là nỗi đau chiến tranh, là nỗi niềm thương tiếc đồng đội và cả niềm vui chiến thắng.
Có những vết thương không bao giờ chữa lành, có những con người ra khỏi trận chiến là một con người khác, không nhớ nổi bản thân mình. Chiến tranh khốc liệt và đau đớn như vậy, để hôm nay những thế hệ sau luôn phải biết ơn những người đã hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho cuộc sống độc lập tự do hôm nay.
Phan Văn Tân
Nhận xét
Đăng nhận xét